Trách nắng làm mây chợt ngả vàng
Trách lời hẹn ước bỗng ly tan.
Trách thuyền rẽ sóng không vương vấn
Trách biển nặng tình mãi chứa chan.
Trách phút bên nhau giờ vội vã
Trách đêm từ biệt giấc mơ màng.
Trách vầng trăng bạc khi mờ tỏ
Trách phận nhan hồng mộng trái ngang.
HOA
ĐĂNG
Tôi
đọc bài thơ của Hoa Đăng
Mới
đọc qua, cứ nghĩ cặp trạng, luận không đối, bởi “vương vấn” là động từ, và “chứa chan” là
tính từ. Cũng như vậy, “vội
vã” là tính từ, và “mơ
màng” là động từ. Song, như tôi vẫn thường nói, khi tôi đọc một bài thơ, Nhất
là thơ Đường luật, tôi luôn đọc cả bằng TÂM và TRÍ. Đọc bằng TÂM để cảm nhận hết
những thi vị, tình cảm của tác giả ẩn chứa trong bài thơ, đọc bằng TRÍ để hiều
hết những ẩn khúc mà cái thể thơ Đường thường ẩn chứa. Bởi thơ Đường luật mà nói
sổ toẹt ra, thì còn gì là thâm thúy, sâu sắc nữa. bản chất của thơ Đường luật
là “vẽ mây, nẩy trăng”,
“ý tại ngôn ngoại”...
Do
vậy, phải đọc bằng TRÍ mới chiêm nghiệm được hết ý tình tác giả gởi gắm trong
thơ.
Trở
lại bài thơ của Hoa Đăng. “Trách” là một bài thơ đầy đặn cảm xúc, tác giả nói về
sự ra đi của một người tình phụ, trong khi người ở lại vẫn nặng lòng với những
kỷ niệm tình yêu. Ngay câu mở, đã trách rồi: “Trách nắng làm mây chợt ngả
vàng”, “nắng” là tác nhân gây cho “mây” phải vàng úa trong buổi hoàng hôn của
cuộc đời. Tác giả đã mượn cái “thật” để diễn tả cái “cảm giác”, nói một cách
khác là mượn “cảnh” để tả “tình”. Làm cho câu thơ sống động hẳn lên. Dùng lối
“khai ám, thừa minh” để mở đề một bài thơ Đường luật, gợi cho người đọc sự tò
mò: “Trách nắng làm mây chợt ngả vàng”.
Tại
sao vậy? Tại sao lại trách? Thì đây: “Trách lời hẹn ước bỗng ly tan”. Ý đồ của
tác giả đã rõ rệt. Tiếp theo cặp trạng đã làm đúng nhiệm vụ của nó. “Trách thuyền
rẽ sóng không vương vấn/ Trách biển nặng tình mãi chứa chan”, nếu ta chỉ đọc
bài thơ bằng TRÍ, thì sẽ cho rằng cặp câu này không đối, nhưng nếu ta vừa đọc bằng
TRÍ, vừa đọc bằng TÂM, thì sẽ thấy đó là một cặp câu đầy đặn hình ảnh và cảm
xúc.
“Vương
vấn” đúng là động từ, “chứa chan” đúng là tính từ. Nếu xét theo loại từ thì rõ
ràng là không đối. Nhưng, nếu xét theo ý thơ, thì có đối. Cái này trong phép đối
người ta gọi là “đối mà như không đối, không đối mà như đã đối”. Hãy đọc cả câu
thơ: “Trách thuyền rẽ sóng không vương vấn”, thuyền ở đây, là người ra đi,
trách người ra đi không một chút gì lưu luyến người ở lại. “Trách biển nặng
tình mãi chứa chan”, “biển” ở đây, chỉ người ở lại, có thể là chính tác giả,
nhưng cũng có thể là một người nào đó, tác giả muốn đề cập đến, điều đó không
quan trọng. Quan trọng
là tình cảm trong câu thơ tác giả muốn gởi gắm: “Không vương vấn” – nghĩa là
không tơ tưởng gì đến đối phương nữa. “Mãi chứa chan”, nghĩa là cứ mãi nhớ
thương, tơ tưởng, nặng lòng. Hai ý thơ “không vương vấn”, và “mãi chứa chan”
hoàn toàn đối lập nhau, nghĩa là có đối đấy chứ.
Lại
có thể, có người nghĩ rằng, câu thơ: “Trách biển nặng tình mãi chứa chan”, có vẻ như không đúng. “Biển” tốt thế, sao lại
trách? Xin thưa, bây giờ là lúc phải dùng cái TÂM để đọc bài thơ, tất nhiên “biển” tốt hơn “thuyền” rồi. “thuyền” là kẻ phụ tình, trong khi “biển” là
người thủy chung. Chính vì thế, tác giả mới trách. Vế trên là trách người ra đi
phụ tình, vế dưới là tự trách mình sao cứ mãi chung thủy chi với một người
không đáng thủy chung!
Cũng
như vậy, với cặp luận: “Trách phút bên nhau giờ vội vã/ Trách đêm từ biệt giấc
mơ màng”, bây giờ là trách cả hoàn cảnh, cả lòng người. Thời gian sao tàn nhẫn
lắm thay, “Những phút bên nhau” nồng thắm, thời gian cứ thế mà vút qua một cách
vội vã, để “đêm từ biệt” bỗng trở thành nỗi mơ màng, thao thức, nhớ mong. Vế
trên là trách hoàn cảnh, vế dưới là trách chính mình. Nếu xét về ý, hai câu
hoàn toàn đối lâp, vậy sao có thể không đối nhau? Nếu xét về từ, “vội vã” không chỉ mang nghĩa của tính từ,
mà còn mang nghĩa của trạng từ, chỉ trạng thái hấp tấp vội vàng. “mơ màng”,
không chỉ là động từ, mà còn mang nghĩa trạng từ, chỉ trạng thái một người đang
lơ mơ giữa tỉnh giữa mê. Hơn nữa, trong phép đối, còn có luật “từ láy, đối với
từ láy”, và khi đã xét theo từ láy rồi, thì không cần phải xét nó là loại từ
nào nữa.
Điều
cuối cùng tôi muốn nói là: Thật ra, tất cả những luật lệ, những quy định, cũng
không vượt qua được tình cảm và cảm xúc của bài thơ, bởi chính cảm xúc của bài
thơ mới thật sự mang lại giá trị đích thực của nó.
Vài
ý kiến thô thiển, mong được mọi người đóng góp.
HƯƠNG THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét