Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Thơ Đường Luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX

Bài tham luận của Nhà thơ Trần Châu Hoàn tại “Hội thảo khoa học Thơ Đường Luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX” – Hà Nội, 10-11-2017.


1. Sự thăng trầm của thơ Đường Luật Việt Nam đầu thế kỷ XX
       Đầu thế kỷ XX, trước nhưng đổi thay lớn lao của thời đại, sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, những chuyển biến trong nhận thúc thẩm mĩ của lớp thanh niên Tây học, đặc biệt là sự xuất hiện và chiếm ưu thế của nhiều thể loại mới, thơ Đường Luật Việt Nam gặp nhiều biến cố thăng trầm. Nhưng rồi nó vẫn tồn tại cho đến bây giờ chúng ta tiếp tục phát huy và bảo tồn.

       Trong thời Pháp thuộc, thơ Đường Luật dùng làm vũ khí đấu tranh của các nhà Nho gia, các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Thế kỷ XX các nhà thơ lớn, như: Trần Tuấn Khải, Tản Đà,... vẫn tiếp tục mạch thơ yêu nước ấy, nhưng phải mượn cách nói ngụ ý, cách nói bóng gió hơn. 
       Bước sang đầu thế kỷ XX (đến thời kỳ thành lập Đảng 1930), tuy việc xuất hiện ồ ạt những bài lục hát, hát nói, ca trù, vè,... và hiệu quả tức thời của nó cho văn học cách mạng, quả có làm cho số lượng thơ Đường Luật co dần lại, nhưng trong những chặng đường cụ thể, thơ Đường Luật vẫn được các chí sĩ cách mạng chọn làm phương tiện để bày tỏ tâm can khí huyết của mình.
       2. Thơ Đường Luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX qua các thời điểm lịch sử
       Thời điểm từ đầu thế kỷ đến 1929, thơ Đường Luật ở bộ phận thơ ca yêu nước và cách mạng, xét về số lượng, không đạt tới con số khổng lồ như thơ Đường Luật ở bộ phận thơ ca công khai. Nhưng nếu so với những thể loại khác trong cùng bộ phận văn học này, thì thơ Đường Luật vẫn chiếm một số lượng khá lớn.
       Thống kê trong cuốn Văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900 – 1930), NXB Văn học, Hà Nội 1972, chúng ta thấy trong số 303 đơn vị tác phẩm có tất cả 161 bài thơ Đường Luật, trong khi đó nếu so với bộ phận thơ ca yêu nước cuối thế kỷ XIX thì tỷ lệ này giảm không đáng kể (vì cũng phép thống kê này thực hiện với Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn học 1970 thấy trong số 269 đơn vị tác phẩm có tất cả 196 bài thơ Đường Luật). Điều đó chứng tỏ những diễn biến về số lượng của thơ Đường Luật trong bộ phận văn học cách mạng đầu thế kỷ XX tuy là có, nhưng so với những thế kỷ trước chưa phải là bước đột quỵ.
       Đặc biệt từ cuối năm 1908, mặc dù cách mạng bị khủng bố và văn thơ cách mạng lâm vào tình thế khó khăn, nhưng một bộ phận văn thơ theo các chí sĩ ra Côn Đảo, vào nhà tù, dường như lại có xu thế quay về với thơ Đường Luật (mà phần lớn vẫn là thơ Đường Luật bằng chữ Hán). Đến những năm sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (l92l), các chí sĩ được tha tù về nhiều, Ngô Đức Kế ra Hà Nội làm báo Hữu Thanh, mở Giác quần thư xã; cụ Huỳnh Thúc Kháng ra tờ Tiếng Dân ở Huế; các tờ Tân Thế kỷ, Đông Pháp thời báo, ở Sài gòn lần lượt xuất hiện, thơ Đường Luật của các nhà ái quốc nhân đó xuất hiện trở lại nhiều hơn. Thời điểm từ 1929 đến 1945, số lượng thơ ca nói chung, thơ Đường Luật nói riêng rất khó xác định. 
       Theo đánh giá của tác giả Hoàng Thị Đậu trong thơ ca cách mạng 1925 – 1945 phần văn thơ cách mạng từ 1925 trở về sau, số lượng thơ văn sưu tầm được hãy còn quá ít. Ngoài thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, là được nhiều người chú ý, còn rất nhiều phong trào cách mạng như phong trào khởi nghĩa Nam kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương, phong trào du kích Ba Tơ, phong trào tiền khởi nghĩa,... Cho nên ngoài Phan Bội Châu với 573 bài thơ Đường Luật bằng quốc ngữ và 15 bài thơ Đường Luật bằng chữ Hán (sáng tác trong thời kỳ làm ông già Bến Ngự (1926 – 1940) và Hồ Chí Minh Với 82 bài thơ Đường Luật bằng chữ Hán (sáng tác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch 1942 – 1943), được coi là đáng kể nhất. Các tác giả khác tuy vẫn còn sáng tác bằng thơ Đường Luật nhưng số lượng giảm hẳn. Trong số 304 tác phẩm thơ ca cách mạng 1925 – 1945 chỉ có 103 bài là thơ Đường Luật.
       So với tiến trình lịch sử 4.000 năm của dân tộc, thời kỳ lịch sử với chỉ chưa đầy 50 năm (1900 – 1945) không phải là dài, nhưng nếu nói đến những biến động, thì đây lại là giai đoạn có nhiều biến động căn bản nhất về phương diện lịch sử xã hội. Nguyên nhân trực tiếp và cục diện của sự thay đổi này bắt đầu từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam.
       Những chủ trương chính sách văn hóa xã hội mà thực dân Pháp áp dụng vào Việt Nam tuy không trực tiếp nhằm vào thơ Đường Luật, song dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng tạo ra khả năng đã làm mất môi sinh, môi trường tồn tại của thơ Đường Luật ở đầu thế kỷ XX.
       Chính vì vậy, bước sang đầu thế kỷ XX, khi nền Hán học bị lung tay, chữ Hán và chế độ thi cử bằng chữ Hán bị phế bỏ, không ít người đã nghĩ, văn chương nhà Nho, cụ thể là văn chương bác học và các thể loại vốn phù hợp với nó sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu khỏi văn đàn. Nhưng trên thực tế, đã không đơn giản như người ta tưởng, bởi dẫu văn chương chữ Hán hết mùa, các nhà Nho không còn giữ vị trí trung tâm thì số người còn duyên nợ với thơ Đường Luật vẫn rất nhiều.
       Có thể nói nửa đầu thế kỷ XX văn hóa Việt Nam đã tồn tại trong một tình trạng khá phức tạp. Cả về tư tưởng lẫn hình thức, văn hóa Việt Nam là sự pha trộn văn hóa Đông – Tây. Tuy huớng vận động cơ bản vẫn là dần dần khước từ văn hóa truyền thống để nhập cuộc với văn hóa hiện đại, nhưng trên thực tế, văn hóa truyền thống (chủ yếu là văn hóa phương Đông, văn hóa Hán...) không bao giờ mất hẳn. Và phần còn lại của văn hóa truyền thống ấy chính là phần mới sinh còn lại của thơ Đường Luật để nó tiếp tục tồn tại trong thời đại mới.


       3. Thơ Đường Luật trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX
       Thơ Đường Luật trong dòng văn học yêu nước và cách mạng không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự ra đời của phong trào thơ Mới, không phải vì nó không hoạt động công khai, nên không đấu tranh trực diện với thơ Mới. Điều cơ bản là các tác giả của hộ phận văn học này, đã không đặt vấn đề sáng tạo, vấn đề nghệ thuật lên trên hết. Cái mà họ quan tâm nhất là vận mệnh dân tộc với hai thực tế lớn đang diễn ra là đất nước bị xâm lược và xã hội đang đi vào con đường tư sản hóa. Sứ mạng của cả dân tộc trong đó có sứ mạng của các sĩ phu là chống Pháp cứu nước giành độc lập và duy tân để theo kịp các nước văn minh. 
       Vì thế, tờ Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng – mặt trận công khai chính của văn học cách mạng, trong suốt 16 năm trời ra mắt độc giả, tuy luôn luôn có khuynh hướng thù địch với những cái cũ lỗi thời và những cái mới nguy hiểm, nhưng nếu có quan tâm đến việc đả kích thơ Mới và các nhà thơ Mới thì cũng không phải vì nghệ thuật mới hay cũ mà vì sự nghiệp cứu nước của cụ.
       Cho nên tuy luôn lên án, tẩy chay lối thơ Đường Luật, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến thơ Đường Luật trên báo của cụ, cũng như thơ Đường Luật trong bộ phận văn học cách mạng nói chung. Vì thế, những diễn biến về số lượng của thơ Đường Luật ở bộ phận văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX, chỉ có thể nhìn qua hai chặng đường cách mạng lớn: Từ đầu thế kỷ đến 1929 và từ 1930 đến 1945.
       4. Nội dung chủ đạo của thơ Đường Luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX 
       - Riêng với thơ Đường Luật Việt Nam, yêu nước cũng là một trong những nội dung chủ đạo, xuyên suốt thời trung đại. Nó vừa là nội dung xuất hiện sớm nhất, đồng thời cũng là một trong những nội dung chiếm ưu thế về số lượng so với các các thể loại khác. Tuy chưa có điều kiện để thống kê cho hết những tác phẩm thơ Đường Luật có đề tài và cảm hứng yêu nước qua các thời kỳ lịch sử, nhưng chỉ điểm qua thơ Đường Luật của những tác giả tiêu biểu đã thấy số lượng thơ yêu nước không phải nhỏ.



       - Bước sang đầu thế kỷ XX, cục diện chính trị thay đổi, vua không đại diện cho dân, không chăn dắt dân theo quan niệm nho giáo, trái lại có kẻ còn trở thành công cụ của giặc để hại dân. Lúc này, yêu nước không thể đồng nghĩa với trung quân, thậm chí có người vì yêu nước, căm phẫn trước hành động bán nước của vua mà lên tiếng phản đối, mạt sát vua. Giờ đây, muốn cứu nước người dân phải tự mình giành lấy quyền làm chủ đất nước, phải tự cứu lấy mình.
       Phan Bội Châu hô hào mọi người Đông du để mở rộng tầm mắt:
“Làm trai phải là ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở há không ai.
Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiển thánh còn đâu đọc cũng hoài. 
Muốn vượt bể đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.”
(Xuất dương lưu biệt – Phan Bội Châu)
Sâu sắc và đẹp đẽ hơn cả là hình ảnh người phụ nữ sẵn sàng đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, bình thản:
“Tử quốc đáo nùng thiên hữu phận,
Thương tâm quan lũ kỷ nam nhi!”
(Tuyệt mệnh thi – Đinh phu nhân)
- Thơ Đường Luật đầu thế kỷ XX cũng lấy thi liệu trong cuộc đấu tranh cách mạng, cũng chứng kiến những tấm gương hy sinh cao cả, nhưng nó lại ở vào những giờ phút cam co nhất, đen tối nhất của lịch sử, vì thế hình tượng người yêu nước dẫu vô cùng cao đẹp cũng không thể hiện lên qua những nét vẽ hùng tráng.
Có một cái gì đó u uất và lắng đọng, một nỗi buồn kết lại thành dòng. Phan Bội Châu đã khóc, những giọt nước mắt của cay đắng ngậm ngùi:
“Thương vì ai nhỉ, tiếc gì ai?
Khắc khoải năm canh cuốc cuốc hoài
Ún máu chứa chan hồng mặt đất, 
Kêu hồn reo rắt thấu tai trời,
Khóc tàn mưa gió chưa khan tiếng, 
Thở chuyển non sông chẳng hết hơi. 
Tâm sự này ai, ai biết tá? 
Bóng trăng chiều tối, bóng chiều mai!”
(Nghe cuốc kêu)
Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là thơ Đường Luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với đề tài yêu nước vì buồn, vì kém vẻ hoành tráng, mà trở nên tẻ nhạt, ảo não. Trái lại nó vẫn tràn đầy khí phách, tràn đầy niềm tin vì ẩn đằng sau những lời lẽ day dứt xót xa ấy, là nhiệt tình cách mạng không gì lay chuyển nổi, là tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Cho dù “Đầu bạc chết ở góc trời xa 
Lòng ta đến cùng vẫn không hối hận”
(Bạch phát tử thiên nha – Ngô tâm chung bất hối) 
(Thuật hoài – Nguyễn Thượng Hiền).
Hoặc đến những ngày tháng cuối đời vẫn một lòng mong mỏi
“Xuân về rằng đợi ngày tươi sáng 
Sông núi bao giờ hết đớn đau” 
(Đẳng đáo đông cư hoan nhữ thúy 
Bất tu giao lạc khốc sơn hà)
(Những bài thơ chữ Hán cuối cùng – Phan Bội Châu)
- Bên cạnh tinh thần yêu nước được bộc lộ rõ nét trong dòng thơ Đường Luật của các chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỷ XX, còn phải kể đến tinh thần yêu nước trong thơ Đường Luật của các tác giả trong bộ phận văn học công khai.
Chẳng hạn, hãy nghe lời kêu gọi kín đáo của Giang hồ du tử:
“Bốn nghìn năm lẻ đắp xây nên,
Dân chẳng ngu si nước chẳng hèn. 
Muôn dặm non sông màu gấm vóc,
Một đoàn con cháu giống rồng tiên.
Thịnh suy ngắm lại gương tang hải,
Thời thế hỏng vào bạn thiếu niên.
Nhắn nhủ ai ơi nên gắng sức,
Võ đài này chính buổi đua chen!”
5. Ngôn ngữ của thơ Đường Luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX
- Đường Luật là thể thơ chịu sự chi phối khắt khe nhất về thanh âm cũng như bố cục tình ý, chính vì vậy ngôn ngữ thơ Đường Luật cũng là thứ ngôn ngữ đòi hỏi một sự lựa chọn tinh xảo nhất.


- Thơ Đường Luật là một thể loại duy nhất có quy định về số âm tiết trong một tác phẩm. Nó cũng được coi là loại thơ “tiết kiệm nhất về ngôn từ”. Chính vì vậy, chưa nói đến khuôn khổ nhỏ bé như ngũ tuyệt, mà ngay cả dạng rộng rãi như thất ngôn bát cú thì 56 âm tiết cũng là quá ít để diễn đạt những ý tưởng. Cho nên yêu cầu đầu tiên đối với thơ Đường Luật là mỗi từ phải là mỗi hòn ngọc và người sáng tác thơ Đường Luật phải là người biết chọn lựa chau chuốt kỹ, càng hệ thống từ vựng trước khi đưa nó vào tác phẩm của mình. Tìm hiểu từ trong thơ Đường Luật vì thế, không thể không phân tích ý nghĩa của từng từ một. Bên cạnh đó, thơ Đường Luật lại là thể thơ bị chi phối bởi nhiều yêu cầu khác về thể loại.
6. Kết luận
Thơ Đường Luật Việt Nam không úa tàn theo thời gian, năm tháng... mà vẫn tồn tại và phát triển với những vần điệu, ngôn từ đẹp đẽ vô cùng sống động. Có thể nói thơ Đường Luật Việt Nam thời nay là hưng thịnh nhất. Cả nước có không biết bao nhiêu câu lạc bộ, rất nhiều tác giả viết thơ Đường Luật, rất nhiều tác phẩm được in ấn và lưu truyền...
Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa. Nó đúc kết cả tinh hoa đất nước, cảnh đẹp thiên nhiên, tinh thần quật khởi chống xâm lăng của con người Việt Nam...

Vũng Tàu, 30-8-2017
TRẦN CHÂU HOÀN
Bút danh: XƯƠNG RỒNG TÍM 
     Ủy viên BCH Chi hội Thơ Đường Luật Việt Nam
thành phố Vũng Tàu – Thư ký biên tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét