Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Tiếng Việt – mảnh đất màu mỡ cho thơ Đường Luật Việt Nam (thơ Hàn Luật)

Bài viết của Phạm Văn Dương


Thơ Đường Luật, như tên gọi của nó, ra đời ở Trung Quốc và dần hoàn thiện, trở thành một thể thơ nổi tiếng, nhất là vào thời Nhà Đường (618 – 907) với những nhà thơ vĩ đại như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột,…
Quá trình hình thành, phát triển, có nhiều hình thức khác nhau, nhưng tiêu biểu nhất là thể thất ngôn bát cú, các thể khác như thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt,... cũng cùng gốc này ra, nên bài này chỉ nói về thể thất ngôn bát cú.
Đặc trưng nổi bật của Thơ Đường Luật là có sự quy định nghiêm ngặt về thanh (bằng, trắc) cho từng từ (chữ) trong mỗi câu và trong toàn bài. Quy định này gọi là “luật”. Tùy theo câu đầu tiên là thanh bằng hay thanh trắc mà chia ra loại luật Bằng, luật Trắc. Cách gieo vần cũng có 2 kiểu, kiểu vần Bằng và kiểu vần Trắc. Vần được quy định các từ cuối câu 1, 2, 4, 6, 8 cùng thanh và vần với nhau (5 vần), hoặc các từ cuối các câu 2, 4, 6, 8 vần với nhau (4 vần), (riêng lối chơi “bát vận đồng âm” thì cả 8 chữ cuối câu dù khác thanh nhau nhưng vẫn “đồng âm”, vần với nhau). Như vậy, với mỗi dạng (luật Bằng vần Bằng, luật Trắc vần Bằng, luật Bằng vần Trắc, luật Trắc vần Trắc, kiểu 5 vần, hay kiểu 4 vần,...) đều có một bảng quy định mỗi từ trong 56 vị trí trong bài phải mang một thanh Bằng hoặc Trắc nhất định. Theo đúng bảng phân bố thanh Bằng Trắc này cũng bảo đảm được quan hệ về thanh giữa các câu 2 – 3, 4 – 5, 6 – 7, 8 – 1 ( gọi là “niêm”) và bảo đảm “đối” về thanh giữa các câu 3 – 4 (câu Thực), 5 – 6 (câu Luận), còn cần làm sao cho đối về ý, đối về từ,... nữa (các bài kiểu 4 vần thì cả câu 1 – 2 cũng phải là câu đối). Có những bài cả câu 7 – 8 cũng là  câu đối, hay cả về ý, về từ, về thanh,...)
Chính các quy định chặt chẽ về phân bố thanh bằng trắc giữa các từ, các câu làm cho Thơ Đường Luật có nét độc đáo là du dương, uyển chuyển, đọc lên nghe êm tai. Cộng thêm với các vế đối sâu sắc nữa, thơ Đường Luật trở thành một thể thơ “bác học” thâm thúy, một thú chơi tao nhã, nhất là khi xướng họa trong một nhóm nhà thơ tài danh. Ngoài các quy định về “luật”, “niêm, “đối”, “vận” nói trên, còn rất nhiều quy định khác nữa. Quy định bắt buộc về thanh (Bằng Trắc) này bảo đảm cho bài thơ Đường Luật êm tai, uyển chuyển, du dương, trầm bổng.
Cơ sở ra đời thơ Đường Luật với đặc trưng âm điệu nói trên chính là ngôn ngữ giàu thanh điệu của tiếng Trung Quốc. Âm chuẩn Bắc Kinh có 4 thanh, 1 thanh Bằng (bình) và 3 thanh Trắc (thượng, khứ, nhập). Các vùng miền khác (như âm Quảng Đông,...) cũng giàu thanh điệu.
Sau khi lan truyền sang Việt Nam, thơ Đường Luật có “đất mầu mỡ” để đặc biệt phát triển, vì thanh âm tiếng Việt có đến 6 thanh cơ bản, là 2 thanh Bằng (thanh Không, thanh Huyền), 4 thanh Trắc (thanh Sắc, thanh Nặng, thanh Hỏi, thanh Ngã). Có nhiều từ có đủ cả 6 thanh (6 từ khác nhau đều có nghĩa mang 6 dấu thanh khác nhau), ví dụ các từ: “đô”, “đồ”, “đố”, “độ”, “đổ”, “đỗ”. Có nhà nghiên cứu còn phân tích chi ly thêm là thanh Sắc và thanh Nặng còn chia ra 2 kiểu, một là các từ vốn mang thanh Không (thuộc thanh Bằng) rồi thêm dấu Sắc, dấu Nặng vào mà thành thanh Trắc, gọi là thanh Sắc Khứ, thanh Nặng Khứ (như các từ “đố”, “độ” nói trên), hai là các từ bản chất đã là thanh Trắc, chỉ có thể thêm dấu Sắc và dấu Nặng, không thể không dấu hoặc mang các dấu khác, gọi là thanh Sắc Nhập, thanh Nặng Nhập, ví dụ từ “biết”, “biệt”... Như vây là tiếng Việt có đến 8 thanh (6 thanh theo 6 dấu và 2 thanh Sắc Nhập, Nặng Nhập).
Các nhà thơ Việt Nam làm thơ Đường Luật lúc đầu bằng chữ Nho (là chữ Hán đọc theo âm Hán Việt) nên có đến 6 (8) thanh, nghe du dương uyển chuyển hơn hẳn khi đọc theo âm Bắc Kinh. Ngay các nhà thơ Trung Quốc chính hiệu khi sang Việt Nam giao lưu, họ cũng thích đọc các bài thơ Đường Luật của họ sáng tác theo âm Hán Việt, cảm thấy bài thơ hay hơn, thích nghe hơn.
Với sự phát triển ý thức dân tộc và nền văn học dân tộc, người Việt Nam sau này làm thơ Đường Luật bằng tiếng Việt, dùng chữ Nôm (và ngày nay dùng chữ Quốc ngữ). Lịch sử ghi nhận người đầu tiên làm thơ Đường Luật bằng tiếng Việt (chữ Nôm) là Hàn Thuyên tức Nguyễn Thuyên ( 1229 – ?) nên đời sau thường gọi thơ Nôm theo Đường Luật là thơ Hàn Luật (thơ luật Hàn Thuyên). Âm tiếng Việt có nhiều thanh làm cho thơ Hàn Luật đọc lên uyển chuyển, giàu nhạc điệu hơn. Có thể nói thơ Hàn Luật tuy xuất phát từ Trung Quốc nhưng đặc biệt phát triển rực rỡ ở Việt Nam với những nhà thơ tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v,…
Tiếng Việt phong phú về thanh điệu, có điều kiện phân chia nhỏ các thanh bằng trắc theo các “dấu thanh”, từ đó mà thơ Hàn Luật (Đường Luật) có thêm những quy định chi tiết hơn, tinh tế hơn, bảo đảm khi đọc lên du dương uyển chuyển, êm tai hơn. Cụ thể là:
- Quy định không được “điệp thanh” tức là trong một câu hoặc các câu liền nhau không được để nhiều từ có chung một dấu thanh.
- Quy định từ thứ 4 và thứ 7 không được trùng dấu thanh (tuy cùng thanh bằng nhưng một từ phải thanh Không, từ kia thanh Huyền, hoặc cùng thanh Trắc nhưng không cùng dấu sắc hay cùng dấu nặng, cùng dấu hỏi, cùng dấu ngã). Nếu phạm quy định này gọi là mắc bệnh “Hạc tất”, khi đọc câu thơ đó thấy không trơn tru, như là bị gập khúc ở giữa giống “cái gối con hạc”.
- Cũng vậy, nếu để từ thứ 2 và thứ 7 trùng dấu thanh thì gọi là mắc bệnh “Phong yêu”, câu thơ đọc lên không mượt mà, như bị thắt lại giống “cái lưng con ong”.
Âm Bắc Kinh chỉ có 1 thanh Bằng nên trong các bài thơ vần Bằng, có đến 5 câu có từ thứ 7 thanh Bằng, những câu có từ thứ 2 hoặc từ thứ 4 bắt buộc thanh Bằng thì đành chịu mắc bênh “Phong yêu” hoặc “Hạc tất”, tức là không thể làm cho cho câu thơ êm tai, du dương như câu thơ dùng âm Việt Nam được.
Thực tế thơ Đường Luật còn rất nhiều quy định chặt chẽ, rắc rối đòi hỏi người làm thơ phải có vốn từ vựng rất phong phú. Cần sẵn sàng thay một từ nào đó bằng từ đồng nghĩa khác thích hợp hơn về thanh, về âm, về vần,... để tránh các lỗi: “lạc vận”, “điệp ý”, “điệp từ”, “điệp điệu”, “điệp âm”, “khổ độc”, “lạc đề”, “mạ đề”; các bệnh “bình đầu,”, “thượng vỹ”, “đại vận”, “tiểu vận”, “chánh nữu”, “bàng nữu”, v.v,...  Nhiều ràng buộc quy định khắt khe, rắc rối quá có khi làm mất thi hứng, hạn chế sáng tạo, mất tự do bay bổng của tâm hồn... Cho nên, có nhiều trường hợp nhà thơ sẵn sàng thà chịu mắc lỗi này bệnh nọ mà bài thơ có hồn. Họ dùng được các từ “đắt”, chọn âm đạt hiệu quả cần thiết của một bài thơ hay (ý tứ, âm điệu, hình ảnh, lối tu từ…). Đó là thể hiện đầy đủ những điều nhà thơ cần gửi gắm, hơn là tránh không phạm lỗi, bệnh bằng mọi giá làm cho bài thơ khô cứng, chỉ còn là một tập hợp từ ngữ được sắp xếp theo những quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó. Một bài thơ Đường Luật nhất thiết và tối thiểu phải đạt được các đặc trưng cơ bản tạo nên vẻ đẹp của thơ Đường Luật là “luật”, “niêm”, vận”, “đối”,... Một bài thơ dù hay mấy mà không đạt được các đặc trưng này thì không phải là bài thơ Đường Luật nữa mà là thể thơ khác. Những câu “thực”, câu “luận” mang ý tứ sâu sắc với những vế đối chuẩn mực mang đến tính hàm súc, tính “bác học” của thơ Đường Luật. Việc sử dụng nhuần nhuyễn âm điệu, phân bố đúng và uyển chuyển các thanh Bằng Trắc... bảo đảm cho bài thơ du dương, êm tai, trong đó việc sử dụng khéo léo các dấu thanh phong phú của tiếng Việt làm cho thơ Hàn Luật có một tầm cao mới.
Sự phong phú thanh điệu của tiếng Việt còn thể hiện trong lối chơi làm thơ Đường Luật kiểu ngũ độ thanh: trong mỗi câu 7 từ phải có đủ 5 đến 6 dấu thanh, các từ thanh Trắc đều phải khác dấu thanh, các từ thanh Bằng liền nhau cũng phải khác dấu thanh. Lối chơi này có thêm quy định gò bó cho bài thơ, có khi phải hy sinh một số từ hay, nhất là các từ láy như “lấp lánh”, “long lanh”,... nhưng bù lại, toàn bài thơ trở nên giầu nhạc điệu (như kiều nhạc phủ xưa), đọc lên du dương, êm ái.
Cần thiết phải nói kỹ hơn về “luật bất luận”. Để đỡ gò bó quá, người ta đề ra luật này nhằm “châm chước” cho các từ thứ 1, 3, 5 trong mỗi câu 7 chữ được tự do về thanh. Thực ra, chỉ có từ thứ 1 là tự do hoàn toàn (từ đó sinh ra lối chơi khoán thủ nhất thanh…), còn từ thứ 3 và thứ 5 thì người ta đã thấy là nếu đúng quy định phải thanh Trắc mà đổi ra thanh Bằng thì còn chấp nhận được, chứ nếu đúng quy định phải là thanh Bằng mà đổi ra thanh Trắc thì khó đọc, gọi là mắc lỗi “khổ độc”.  Tuy nhiên, tôi thấy từ thứ 5 khác từ thứ 3; từ thứ 5 bắt buộc phải đúng quy định về Thanh, nếu không thì bài thơ trở nên “ngang ngang”, không êm tai (dù là thay thanh Trắc bởi thanh Bằng). Cụ thể là: từ thứ 5 và thứ 7 phải không được cùng thanh. Như vậy, trong mỗi câu đều bắt buộc thanh bằng Trắc ở các từ thứ 2, 4, 5, 6 và 7 (vần).
Chúng ta có thể lấy bất kỳ bài thơ Đường Luật nào, nếu có chữ thứ 5 trong câu nào đó sai Thanh so với quy định thì đều thấy điều này. Ví dụ rất nhiều, ai cũng có thể chỉ ra, ở đây tôi lấy 2 câu trong bài “Thương vợ” của Tú Xương để làm ví dụ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng...
Tú Xương đã vận dụng “luật bất luận”, cụ thể là:
Từ thứ 3 câu trên và từ thứ 1 câu dưới nếu đúng quy định phải thanh Trắc, ông đã đổi ra thanh Bằng là chấp nhận được.
Từ thứ 5 của 2 câu này đúng quy định phải thanh Trắc, Tú Xương đã tôn trọng. Nếu chúng ta thử đổi ra thanh bằng xem có chấp nhận được không:
Quanh năm buôn bán BÊN mom sông
Nuôi đủ năm con VÀ một chồng
Rõ ràng là “ngang phè”!
Trong tiếng Việt có 2 thanh Bằng (dấu thanh Không và dấu thanh Huyền) nên bài thơ còn được phân phối thanh điệu rất tinh tế trong các bài thơ vần Bằng (từ thứ 7 trong các câu 1, 2, 4, 6, 8) hơn hẳn so với theo âm Bắc Kinh chỉ có 1 thanh Bằng. Cụ thể là trong bài thơ vần Bằng, các chữ nói trên đều phải vần với nhau và đều phải thanh Bằng thì rõ rồi, nhưng tinh tế ở chỗ cả 5 chữ ấy không được cùng một dấu thanh bằng mà phải sử dụng cả 2 dấu thanh Bằng (thanh Không và thanh Huyền) mới êm tai.  Lấy ví dụ trường hợp câu 1 và câu 2, nếu để 2 chữ thứ 7 cùng dấu (cùng không dấu hoặc nhất là cùng dấu huyền) đọc lên nghe rất  “ngang”.
Tiếng Việt còn hơn hẳn tiếng Trung Quốc về sự phong phú của từ. Nếu như trong tiếng Trung Quốc có quá nhiều từ đồng âm dị nghĩa (nhiều từ đọc lên giống nhau nhưng khác nghĩa nhau) thì tiếng Việt lại có ưu thế là có rất nhiều từ cùng nghĩa nhưng khác âm, khác thanh. Vì thế, người làm thơ Hàn Luật khi muốn nói một sự vật nào đó có rộng đường để tìm các từ có âm, thanh thích hợp mà vẫn biểu thị được đúng ý của mình. Đặc biệt các từ cùng nghĩa ấy lại khác nhau hẳn về âm, thuận tiện cho việc gieo vần, khác nhau hẳn về thanh (từ này thanh Bằng, từ kia thanh Trắc) nên rất thuận cho việc lựa chọn thanh thích hợp theo đúng luật của thơ Đường Luật. Ví dụ, cùng để chỉ màu đen có các từ: đen, thâm, ô,... (thanh Bằng), mực, hắc.... (thanh Trắc). Đại từ nhân xưng thì tiếng Việt vô cùng phong phú, tha hồ cho nhà thơ lựa chọn từ thích hợp về âm, về thanh, v.v,...
Nói tóm lại, cái độc đáo của thơ Đường Luật về âm điệu du dương, uyển chuyển chính là vì đã có quy định chặt chẽ về phân bố các thanh Bằng Trắc cho từng từ, từng câu theo đúng vị trí trong bài. So với tiếng Trung Quốc (âm chuẩn Băc Kinh) thì tiếng Việt Nam của chúng ta hơn hẳn về độ phong phú của các âm thanh, do đó, thơ Đường Luật làm bằng tiếng Việt Nam mà các cụ gọi là Thơ Hàn Luật (dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ cũng vậy) khi đọc lên nghe hay hơn hẳn.
Sau một thời gian tạm lắng xuống do phong trào Thơ Mới mạnh mẽ những năm 30 thế kỷ trước, từ vài chục năm gần đây, Thơ Đường Luật dần được hồi sinh, khôi phục một vốn quý trong truyền thống văn hóa dân tộc ta. Ngày nay, hầu như không còn ai làm thơ bằng chữ Nho nữa, mà hoàn toàn dùng tiếng Việt Nam. Nên chăng, chúng ta dùng từ “Thơ Hàn Luật” để gọi thể thơ bác học này, phân biệt với thơ Đường Luật làm bằng chữ Hán của Trung Quốc.

PHẠM VĂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét