Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Ngày Thơ Việt Nam 2018 – lần đầu tiên “Thơ và những vấn đề đương đại” được đề cập

Sáng 15 tháng Giêng Mậu Tuất (tức 02-3-2018), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI. Rất đông người yêu thơ đã đến dự chật kín Văn Miếu.


Năm nay, lần đầu Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai sân thơ: Truyền thống và Trẻ. Tại sân truyền thống, hoạt động trình diễn có sự tham gia của các nhà thơ theo đuổi xu hướng đổi mới hiện nay như: Mai Văn Phấn, Vũ Quần Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý,...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức trong cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ “Nguyên tiêu” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương”.
Tại khu vực Hồ Văn, ban tổ chức trưng bày, triển lãm thơ của hơn 60 câu lạc bộ trên địa bàn thành phố. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tổ chức chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ. Những câu thơ được chọn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đại diện cho các thế hệ thi nhân Việt Nam. Ngoài ra, nhóm tác giả đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với khán giả Việt Nam ở hai sân thơ.
Nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, hôm 27-02-2018, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề đương đại”. Rất nhiều những vấn đề của thơ trong thời đại mới được các nhà văn, nhà thơ mang ra “mổ xẻ”.
Thơ nhiều mà vẫn “mất mùa” những thơ hay
Theo báo cáo đề của Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn lại năm 2017 số người được tôn vinh là nhà thơ ước tính tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội Nhà văn của cả nước, các các tỉnh và đông hơn trong các Câu lạc bộ. Theo con số thông kê có đến 3000 – 4000 tập thơ đã được in trong cả nước.
Tuy nhiên – theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – thơ nhiều như vậy nhưng vẫn đang bị gọi là “mất mùa”. Lý do vì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay không có thơ, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội không trao cho thơ và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cũng không có giải thưởng chính thức cho thơ, chỉ có tặng thưởng cho mấy tập thơ. Thậm chí, nhiều tập thơ lại còn bị kiện vì có dấu hiệu “đạo thơ”. 
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ đương đại đang tồn tại 2 dòng chảy chính. Có thể tạm gọi dòng chảy thứ nhất là dòng thơ không chuyên nghiệp với sự có mặt đông đảo của những người yêu thơ, những người làm thơ bình dân đang sinh hoạt ở rất nhiều Câu lạc bộ thơ ở nhiều thôn, xóm, phường, quận, huyện… tại các địa phương trên địa bàn cả nước. Dòng chảy thứ hai là dòng thơ chuyên nghiệp với sự hiện diện của những cây viết chuyên nghiệp, những nhà thơ đã thành danh. Đây là dòng thơ chủ lưu làm nên diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam đương đại với những tinh hoa và tài năng thơ thật sự.
Nhưng có một thực tế nghiệt ngã là những người nổi tiếng như họ, nhưng năm qua lại đang “chìm nghỉm”  trong một biển người làm thơ vô danh hiện nay. “Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật này khi các nhà thơ chuyên nghiệp phải 4 – 5 năm mới xuất bản được một cuốn thơ, mỗi cuốn in khoảng chừng 500 bản, lại để biếu nhau là chính vì bán thơ được rất ít hoặc không bán được” – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói.
Đồng quan điểm, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thẩm định thơ đang có tác động nhiều nhất đến bạn đọc. Trong đó, các NXB và các phương tiện truyền thông đại chúng với cơ chế thị trường đòi hỏi các cơ sở xuất bản tăng cường khối lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Điều này quả có thúc đẩy khâu biên tập bao dung hơn với chất lượng tác phẩm. Đây là nguyên nhân khá quan trọng làm thơ mất độc giả.
Danh xưng nhà thơ hơi “dễ dãi”
Bên cạnh câu chuyện hay, chuyện dở của thơ Việt trong năm qua, tại Hội thảo câu chuyện về tạo điều kiện cho các tác giả trẻ cũng đã được bàn luận. Nhìn nhận về các tác giả trẻ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng các tác giả trẻ thường trình bày khá sinh động, đa dạng cái tôi hiện đại của mình trong cuộc một cuộc chơi nhằm đổi mới ngôn ngữ thơ, nó mang hơi thở mới của đời sống đô thị hôm nay. Thế nhưng, một số cây bút trẻ không chú ý tới việc xây dựng tứ thơ, vì thế các bài thơ của họ mang một cấu trúc lỏng, mới chỉ dừng lại ở một mức biểu đạt thông thường của ngôn ngữ nhằm chuyển tải một nỗi niềm, tâm sự, ghi nhận, khắc họa đời sống…
“Một đặc trưng của thơ trẻ hiện nay là cái tôi, gai góc, cái tôi cực đoan, cái tôi xa lạ, cái tôi khác người luôn được thể hiện, được hướng tới, cái nhìn nhận, được khẳng định ở nhiều khía cạnh khác nhau trong nhiều bài thơ của họ” –  nhà thơ Nguyễn Việt Chiến góp ý.
Theo nhà thơ Mai Nam Thắng, ngày nay điều kiện để nhận danh xưng “nhà thơ” có phần hơi dễ dãi, nếu nhiều người chỉ thích làm du khách dạo chơi chứ không muốn trở thành tín đồ trong “ngôi đền” thi ca. 
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Đừng sa đà vào những ồn ào danh hiệu, những óng ánh ngỡ là thơ mà rất không thơ. Đời người ngắn ngủi lắm, đời cho thơ càng ngắn ngủi hơn. Cứ rối lên với oản chuối, hương đèn, vàng mã thì không còn đâu tĩnh tâm mà tìm đến Phật…”. 
Sau 15 năm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, đây có lẽ là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về thơ và những vấn đề đương đại được đề cập một cách thẳng thắn, trọng tâm. 

TÌNH LÊ Theo: Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét