Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Thơ và phê bình thơ

Bài phát biểu trong buổi ra mắt tập “Thơ và Lời bình”
của Diễn đàn Đồng hành & Sáng tạo.


Chúng ta hạnh phúc vì được sinh ra làm một con người, biết yêu, biết ghét, biết cảm thụ cái đẹp và biết chuyển tải những tình cảm đó vào thơ.
Sống trong xã hội, chúng ta còn có nhu cầu được chia sẻ. Bởi không ai có thể chơi một mình nên mới hình thành các hội, nhóm, CLB… để đọc thơ, bình thơ của nhau, giúp nhau nhận ra cái gì được, cái gì chưa được nhằm có những tác phẩm chất lượng hơn, những bài thơ hay hơn.
Nhưng thế nào là một bài thơ hay? GSTS, NGND Nguyễn Lân Dũng đã viết: “... thơ hay đâu ở cái danh Nhà thơ, hay Hội viên này nọ. Thơ hay là tiếng nói chân thật đã được chưng cất một cách rất riêng của mỗi công dân, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, giàu nghèo... thơ hay thường xuất hiện trên các trang mạng, giống như kho tàng Nhật ký thơ của các tác giả không chuyên. Họ yên lặng sống với nghề nghiệp của mình, bằng lòng với cuộc sống vật chất còn đầy gian khổ của mình, nhưng biết tự thăng hoa trong vườn tao đàn thi ca để nâng cao chất lượng sống cho mình và chia vui cùng bè bạn.”
Theo dõi sân chơi thơ các hội, nhóm, các CLB, các trang mạng… tôi nhận thấy: những bài thơ sử dụng cách trình bày lạ, từ ngữ lạ, thơ không vần… thường nhận được ít phản hồi. Có lẽ bởi độc giả bối rối, ngại ngùng trước những bài thơ có vẻ cao siêu ấy mà không biết (hoặc không dám) phản hồi, sợ mình phát biểu không đúng, không trúng những ẩn ý của nhà thơ chăng? Một bài thơ mà người ta không mấy hiểu, người ta sẽ khó yêu, và sự lan tỏa sẽ không nhiều.
Ngược lại, những bài thơ sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát, thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn… mang nội dung và cấu trúc từ ngữ tương đối dễ hiểu với số đông, đa phần có vần điệu… lại thường được sự hưởng ứng của khá đông người yêu thơ. Hơn 700 CLB Thơ quanh khu vực Hà Nội, hơn vạn hội viên CLB thơ Việt Nam, 700 hội viên CLB Thơ Thăng Long… là những sân chơi thơ lớn, là nơi tập hợp các độc giả nhiệt thành góp phần sản xuất và tiêu thụ thơ. 
Thơ in ra có bán được đâu, hay nói vui là thơ có mài ra ăn được đâu, nhưng tự cổ chí kim vẫn có nhiều, nhiều lắm những người bị “giời đày làm thơ” (chữ của nhà thơ Nguyễn Bính) như thế. Họ cần thơ để giải tỏa chính mình. Họ cần thơ để ký thác những buồn vui nhân thế. Họ cần thơ để ngợi ca tình yêu cuộc sống, tình yêu với gia đình, con cháu, quê hương. Với họ, thơ là một thú chơi tao nhã, sang trọng; là nơi để họ ký thác những buồn vui, là chiếc phao cứu sinh cho họ bám vào bơi qua kiếp người nhọc nhằn chẳng dễ gì chia sẻ.
Sự chia sẻ giá trị nhất đối với mỗi tác giả chính là những bài phê bình thơ. Còn gì ấm lòng hơn khi những điều mình ấp ủ, gửi gắm trong thơ được nhà phê bình chỉ ra, bóc tách các tầng nghĩa ẩn cho thơ được kiêu hãnh, long lanh phô bày giá trị thật của mình. Viết được bài thơ hay, nhà thơ vui sướng như thế nào thì nhà phê bình cũng vui như vậy khi phát hiện ra bài hay để viết lời bình, chia sẻ những điều mình cảm nhận được cùng bạn đọc. Người phê bình giỏi là người có cảm thụ thơ ca tốt, có trình độ lý luận vững vàng để hướng độc giả đi theo nhận định của mình. Suy ra, nhà phê bình là người nắm trong tay quyền lực, có thể đưa một người lên mây xanh mà cũng có thể dìm người ấy xuống bùn đen. Vì vậy, sự phê bình khen chê rất cần thận trọng.
Nhiều người cho rằng: với sự phát triển của mạng internet hiện nay, mọi người được tự do trong việc bày tỏ ý kiến của mình, khen chê thoải mái. Sự thực không hẳn vậy. Nếu bạn là một người bình thường, muốn “khoe” thơ, “khoe” bạn bè, con cái, gia đình mình... dù có nói quá đi một chút, bạn bè vào comment khen quá lời một chút mà “chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới” thì cũng chẳng sao. Bạn bè ra tập thơ, cao hứng viết bài cổ vũ, dùng mỹ từ, đại ngôn ca ngợi bạn, ai đọc được, quá lắm cũng chỉ tủm tỉm cười. Một bài thơ trên mạng chưa thật hay nhưng thấy nhiều người vào khen nức nở. Khen dễ hơn chê mà lại được cảm ơn. Còn chê ư? Coi chừng! Đã phải lựa lời rào trước đón sau, vận dụng sự hiểu biết và lập luận để góp ý nhẹ nhàng cho bạn mà vẫn không xong. Nhẹ thì bạn hờn mát, nói dỗi. Nặng hơn, khéo bạn “nghỉ chơi” với mình luôn.
Người bình thường đã vậy, người có tiếng tăm càng phải cẩn trọng hơn. “Quan trên ngó xuống, người ta trông vào”. Sự khen chê của người nổi tiếng có khi ảnh hưởng đến số phận một con người nên chẳng thể dùng tùy tiện. Mà cũng đừng lạm dụng sự quen biết mà khen quá lời, đừng coi thường trí tuệ công dân mạng. Anh mà “bốc thơm” không đúng, chẳng thiếu những cây bút vô danh và có danh sẵn sàng phản biện bằng những bài viết công phu, tỉ mỉ, chính xác... “đập” lại các luận điểm của anh không chút nương tay, rằng anh đã “bốc phải thứ không thơm”. Khi ấy, người khen và người được khen cùng “sượng”. 
Khen và chê đều cần thiết trong phê bình văn học. Với lòng chân thành, người phê bình sẽ chỉ ra ưu điểm của tác phẩm, khen đúng mức trên các diễn đàn công khai sẽ có tác dụng nâng đỡ, động viên tác giả; đó là mục tiêu chính của phê bình. Còn chê thì nên trao đổi riêng với tác giả, bởi đây là vấn đề tâm lý rất tế nhị. Chẳng phải vì “văn mình, vợ người” như các cụ nói, nhưng tâm hồn mong manh, nhạy cảm của các nhà thơ cũng khó chấp nhận khi đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau, nâng niu yêu quí của mình bị đưa ra mổ xẻ không thương tiếc giữa công chúng.
Khen chê khó thế, nên chẳng lạ khi khá nhiều người chọn thái độ “dĩ hòa vi quí” cho lành. Cái “ao” phê bình văn học nước nhà vì thế cứ lặng lặng, tù tù, bói chẳng ra tăm cá, bóng chim. Và với cái sự tán tụng nhau như thế, chẳng gì chính xác hơn câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Nhấp nhô toàn những thiên tài/ Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay”.
Còn một điều tôi muốn nói là các nhà thơ thi hứng tràn trề, viết như rồng bay gió cuốn thì tốt. Nhưng cũng rất cần những phút tịnh tâm, đọc lại những gì mình đã viết, đọc bài của bạn và đọc các bài phê bình hay… “Học thầy không tày học bạn”. Đọc nhiều hơn, ngẫm nghĩ sâu hơn và viết kỹ hơn, sẽ cho ra những tác phẩm tốt hơn. Chúc các nhà thơ luôn yêu đời, yêu người để viết hay hơn.

Hà Nội, tháng 7-2016
CHỬ THU HẰNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét