Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Đến với bài thơ VŨNG TÀU TIÊN CẢNH


Vũng Tàu tiên cảnh
     Thơ: Nguyễn Bình Diệp

Xứ sở thần tiên ở Vũng Tàu
Bầu trời nhộn nhịp cánh chim âu.
Long lanh biển bạc đang ngời sắc
Óng ả rừng xanh mãi biếc màu.
Thả gót chiều tà trên phố thị
Dừng chân sáng sớm giữa cây cầu.
Hải đăng chói lọi reo trong gió
Thành phố bừng lên những giếng dầu.

Lời bình
Trong số các bài thơ Đường luật Việt Nam gần đây nói về tình yêu đất nước quê hương, tôi rất ấn tượng với bài “Vũng Tàu tiên cảnh” của tác giả Nguyễn Bình Diệp – Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Vũng Tàu. Qua bài  thơ, tác giả tái hiện lại và hồ hởi ngợi ca, bày tỏ niềm tự hào về sự giàu đẹp hiếm có của thành phố biển quê hương.
Tuy không cổ kính như Hội An, không  mát mẻ như Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu là một quần thể thiên nhiên hài hòa, sơn thủy hữu tình. Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, cũng là một trong những tỉnh có cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam và thế giới qua hệ thống đường biển, đường sông và đường hàng không thuận tiện, một địa danh hấp dẫn nhiều  du khách trong nước và quốc tế. Vì thế nên thi sĩ không chuyên mới lấy nhan đề bài là “Vũng Tàu tiên cảnh”.
Trong bài thơ, ở ngay câu phá đề, tác giả  đã khẳng định “Xứ sở thần tiên ở Vũng Tàu”, một vẻ đẹp hiển hiện cụ thể  ngay nơi trần thế, nhưng đẹp tới mức tưởng như chỉ có ở chốn Bồng lai. Cùng với việc lựa chọn thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường để bộc lộ cảm xúc, tác giả đã tái hiện nên một bức tranh đẹp về cảnh sắc quê hương: “Xứ sở thần tiên ở Vũng Tàu/ Biển trời nhộn nhịp cánh chim âu”. Không gian của bức tranh thơ mở ra thoáng rộng với biển xanh bát ngát trải dài tới chân trời xa. Tắm trong vùng ánh sáng đẹp đẽ ấy là những cánh chim hải âu đang nhộn nhịp bay về hướng biển.
Hai câu thực tiếp theo của bài đối nhau cân chỉnh càng bộc lộ chi tiết hơn vẻ đẹp hài hòa rộng lớn của rừng xanh và biển bạc nơi đây: “Long lanh biển bạc đang ngời sắc/ Óng ả rừng xanh mãi biếc màu”. Đến với Vũng Tàu, con người có được cảm giác bình yên, dễ chịu với những con đường rộng rãi, thoáng đãng, được tô điểm thêm bởi những hàng cây. Mẹ thiên nhiên đã ban tặng Vũng Tàu một vùng khoáng đạt: dưới là biển xanh với những Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa,… phía trên là những Núi Lớn, Núi Nhỏ, cạnh đó con người  xây dựng  những ngôi chùa thanh tịnh thấp thoáng trong những cánh rừng xanh “óng ả”, một màu xanh đầy sức sống và hy vọng.
Những từ láy “long lanh” và “óng ả” được sử dụng phù hợp càng gợi tả thêm vẻ đẹp quyến rũ của vùng đất này. Hai câu luận của bài, chủ thể trữ tình trực tiếp xuất hiện với phong thái thật ung dung: “Thả gót chiều tà trên phố thị/ Dừng chân sáng sớm giữa cây cầu”. Đi bộ thể dục và thư giãn vào sáng sớm hay chiều muộn ở ven biển là một trải nghiệm thú vị. Hoạt động này đem lại sự  thư  giãn cả tâm hồn và thể chất, được tận hưởng vẻ đẹp yên bình nơi “phố thị” hay những “cây cầu” hiền hòa kết nối đôi bờ.
Ấn tượng hơn nữa là cảm giác thanh bình khi được ngắm hoàng hôn vào lúc xế chiều hoặc sớm mai tinh khiết, không khí  ồn ào, náo nhiệt của những lo toan bộn bề cuộc sống thường nhật dường như không còn. Ai mà chẳng mong được tận hưởng những phút giây thư thái như thế? Đó là những khoảng lặng hạnh phúc trong cuộc đời…
Khép lại bài thơ là hai câu kết. Nếu như ở sáu câu thơ trên thiên về tả cảnh, tái hiện vẻ đẹp thơ mộng của thành phố biển Vũng Tàu, đến phần  này, tác giả tiếp tục ngợi ca quê hương ở một phương diện khác: “Hải đăng chói lọi reo trong gió/ Thành phố bừng lên những giếng dầu”. Vũng Tàu không chỉ  là một thành phố đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn rất giàu tiềm năng về  kinh tế: ngoài thế mạnh đánh bắt hải sản và du lịch, nơi đây được ưu ái về tài nguyên khoáng sản. Mỏ khai thác dầu khí Bạch Hổ cách thành phố Vũng Tàu  khoảng 120km về phía đông nam, thuộc bể trầm tích với trữ lượng khoảng  gần 300 triệu tấn, được xem là mỏ có lượng dầu khí lớn nhất trên thềm lục địa phía nam của Việt Nam chúng ta. Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất của đất nước. Nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm này đem lại nguồn thu không nhỏ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, đất nước ta nói chung. Từ khi dầu khí được khai thác đem lại nguồn thu kinh tế không nhỏ, thành phố càng thêm tiềm năng, tưởng như ánh sáng từ những giếng dầu làm bừng sáng thêm lên.
Chưa hết, ngoài tài nguyên dầu khí, ngọn hải đăng ở Vũng Tàu cũng là một địa chỉ rất nổi tiếng bởi được xem là cổ xưa nhất trong số mấy chục ngọn hải đăng của Việt Nam. Ngọn hải đăng là biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu. Từ năm 1862, người Pháp đã xây dựng ngọn hải đăng này để báo hiệu, chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại thuận lợi. Trong hành trình khám phá Vũng Tàu, ngoài dịp được thỏa thích nô đùa với sóng biển, chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, việc chinh phục được ngọn hải đăng Vũng Tàu, một trong những địa điểm tham quan thú vị, được nhiều du khách lựa chọn. Những câu phần kết bài thơ chan chứa niềm vui, niềm tự hào về phố biển quê hương.
Cả bài thơ như một bức tranh đẹp bằng ngôn từ ngợi ca phố Vũng Tàu đẹp giàu với niềm hứng khởi và tự hào. Nếu không yêu quê hương, không gắn bó với vùng biển trời nhiều nắng gió này, tác giả không thể có được bài thơ ấy.

NGUYỄN THỊ THIỆN (Chi hội Olinore – Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét