Làm thơ Đường luật có một kiểu chơi đặc
biệt thú vị, đó là xướng – họa.
Người ta có thể còn xướng – họa với cả
các thể thơ khác, nhưng thể thơ Đường luật vẫn là tiêu biểu nhất, đặc sắc
nhất, phổ biến nhất. Có thể coi việc xướng – họa là một đặc trưng, một thế mạnh
nổi bật của thơ Đường luật.
Trong lịch sử văn học có rất nhiều câu
chuyện thú vị về xướng – họa thơ Đường luật, có nhiều nhóm các nhà thơ nổi tiếng
tham gia xướng – họa, có lẽ nổi tiếng nhất là Hội Tao Đàn của Vua Lê Thánh tông
hồi thế kỷ 15 ở Việt Nam. Nhà Vua tài năng tập hợp 28 ngôi sao sáng trên thi
đàn lúc ấy vào Hội Tao Đàn, do đích thân Nhà Vua là Đại Nguyên soái, Thân Nhân
Trung là Phó Nguyên soái. Trong một thời gian ngắn, Nhà Vua đã làm 9 bài xướng
và các Hội viên họa lại, tập hợp thành cuốn “Quỳnh uyển cửu ca” (tiếc là hiện
nay đã thất lạc mất nhiều, cả bài xướng, cả bài họa).
Xướng – họa lúc đầu tổ chức theo nhóm,
có một người đầu tiên sáng tác một bài gọi là bài xướng, mời hặc “thách” cả
nhóm, sau đó mọi người trong nhóm đáp lại bằng các bài họa căn cứ theo bài xướng
đó. Sau này, các phương tiện truyền thông phát triển, nhất là thời đại internet
ngày nay thì tự do hơn. Mỗi người cứ sáng tác bài thơ theo cảm xúc của mình và
công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, không nhất thiết tự coi là bài xướng
và mời người khác họa. Những người khác, nếu thấy đồng cảm với một bài thơ nào
đó thì tự mình làm một bài họa bài thơ đó, tự nhiên bài lúc đầu đó trở thành
bài xướng.
Có thể có nhiều người, dù là không quen
biết nhau, nhưng cùng đồng cảm với một bài nào đó thì làm ra nhiều bài họa khác
nhau, có khi có đến hàng mấy chuc, thậm chí hàng trăm bài họa, trong đó có nhiều
bài họa còn hay hơn bài đầu tiên (được gọi là bài xướng). Nhiều bài họa có thể
coi là một bài thơ độc lập hoặc lại có nhiều người họa theo bài đó (vốn là một
bài họa, nay trở thành bài xướng cho một chùm thơ khác). Như vậy, khái niện bài
xướng, bài họa chỉ là quan hệ trong một chùm thơ cụ thể, trong đó các bài họa đều
phải căn cứ theo bài xướng.
Các bài họa nhất thiết phải cùng thể thơ
với bài xướng (cùng là Đường luật, hoặc cùng là lục bát…), cùng một chủ đề và
bài họa phải sử dụng đúng các vần của bài xướng.
Cụ thể đối với thơ Đường luật thất ngôn
bát cú. Mọi bài thơ hay, nghiêm chỉnh về luật, niêm, đối, vận,… có nội dung, chủ đề được nhiều người đồng
cảm, ý tứ sâu xa… đều có thể trở thành bài xướng. Các bài họa theo bài xướng này phải cũng là
một bài nghiêm về luật, niêm, đối, vận,…
nhất thiết phải cùng chủ đề, nội dung với bài xướng, chỉ là biểu lộ thái độ, cảm
xúc, suy nghĩ,… theo các khía cạnh, mức độ,… khác với tác giả bài xướng (thậm chí
phản bác lại bài xướng), và phải sử dụng đúng các từ vần của bài xướng. Nếu chỉ
sử dụng vần mà khác nội dung thì không thể gọi là bài họa mà chỉ là bài mượn vần
của bài ban đầu. Cùng chủ đề, cùng bàn về một vấn đề nào đó, có thể dùng đầu đề khác nhau, cũng có nhiều người lấy luôn đầu đề của
bài xướng, gọi là “họa y đề”.
Chi tiết, bài họa sử dụng vần của bài xướng
theo các hình thức sau đây:
Họa nguyên vận: Tất cả 5 từ vần (hoặc 4
từ vần) tức các chữ thứ 7 trong các câu 1, 2, 4, 6, 8 (hoặc các câu 2, 4, 6, 8) của bài xướng phải được sử dụng trong
bài họa theo đúng thứ thự các câu như bài xướng.
Họa đảo vận: Các từ vần của bài họa sử dụng
các từ vần của bài xướng theo thứ tự ngược lại.
Họa hoán vận (loạn vận): Các từ vần của
bài họa sử dụng đúng các từ vần của bài xướng nhưng không theo thứ tự nào.
Nếu bài họa có ít nhất 1 từ vần nào đó
không đúng với từ vần của bài xướng gọi là “lỗi xuất vận”.
Trường hợp bài xướng là “bát vận đồng
âm” thì bài họa phải sử dụng đúng cả 8 từ cuối các câu của bài xướng, nói chung
là đúng theo thứ tự (nguyên vận), chưa thấy người nào họa đảo vận hoặc hoán vận.
Có một yêu cầu khắt khe là tuy bắt buộc
bài họa sử dụng từ vần (từ thứ 7 trong các câu vần) đúng với bài xướng, nhưng từ
thứ 6 trong câu đó lại phải khác nhau, nếu để trùng nhau gọi là phạm “lỗi khắc
lục”. Đặc biệt,
trường hợp từ thứ 6 và thứ 7 trong câu vần của bài xướng là một từ kép thì đòi
hỏi người họa phải rất sáng tạo, tìm ra các từ đơn hoặc các từ kép khác để chỉ
đồng âm từ thứ 7, ý nghĩa khác càng hay. Trong thực tế có những từ kép làm từ vần
nhưng chỉ có 1 nghĩa, rất khó tìm được từ nào khác để tránh lỗi khắc lục, gọi
là “tử vận”.
Ví
dụ: từ “mênh mông”,
“xạc xào”, “khẳng khiu”,…
thì người họa hoặc là đành chịu lỗi khắc lục, hoặc phải dùng các từ đơn đồng âm
nhưng nghĩa khác hẳn, phải sáng tạo các từ mới hợp lý, có ý nghĩa, tránh gò ép,…
Người làm bài họa đầu tiên thường có ý sử
dụng luật trái với bài xướng.
Ví
dụ: bài xướng là luật
bằng (chữ thứ 2 câu 1 thanh bằng) thì bài họa theo luật trắc (chữ thứ 2 câu 1
thanh trắc) và ngược lại. Như vậy thì bài họa nguyên vận hoặc họa đảo vận chắc
chắn không bao giờ mắc “lỗi khắc lục” (nhưng họa hoán vận thì vẫn có thể mắc).
Tuy nhiên nếu có nhiều bài họa thì không
nhất thiết phải khác luật (nếu bài họa nào cũng khác luật bài xướng thì tất cả
các bài họa lại cùng luật với nhau!).
Người ta cũng đòi hỏi bài họa phụ thuộc nhiều hơn vào bài xướng, khi bài xướng sử dụng một lối chơi nào đó thì các bài họa cũng phải sử dụng lối chơi đó. Ví dụ: ngũ độ thanh, khoán thủ, khoán vĩ, tung hoành trục khoán, nhất thủ thanh, nhất vận, tứ đối,… và nhiều kiểu chơi khác rất phong phú, rối rắm, mà có khi do người xướng cố tình đưa ra để “thử tài” các người họa phải tuân theo.
Người ta cũng đòi hỏi bài họa phụ thuộc nhiều hơn vào bài xướng, khi bài xướng sử dụng một lối chơi nào đó thì các bài họa cũng phải sử dụng lối chơi đó. Ví dụ: ngũ độ thanh, khoán thủ, khoán vĩ, tung hoành trục khoán, nhất thủ thanh, nhất vận, tứ đối,… và nhiều kiểu chơi khác rất phong phú, rối rắm, mà có khi do người xướng cố tình đưa ra để “thử tài” các người họa phải tuân theo.
Dưới đây xin nêu một số ví dụ các cặp xướng
họa:
Ví
dụ 1: Họa nguyên vận. Bài xướng luật trắc, vần bằng. Bài
họa luật bằng vần bằng.
Bài xướng:
Thú vui
Xướng họa thơ Đường, đẹp thú chơi
Bâng khuâng, rạo rực, thấy say đời.
Anh tìm chữ khéo, sâu đằm nghĩa
Em chọn từ hay, thắm thiết lời.
Bạn thích thiên nhiên, hồn đắm đuối
Tôi vui thế sự, dạ chơi vơi.
Giao hòa thi hữu, tình thân ái
Tri kỷ cùng ai, nở nụ cười…
PHẠM
VŨ THANH
Bài họa:
Sân chơi
Bạn thơ Đường luật lập sân chơi
Đàm đạo sâu xa mọi việc đời.
Tao nhã giãi bày hồn quyện tứ
Uyên thâm gửi gắm ý ngoài lời.
Tình yêu chiêm nghiệm hằng không cạn
Thế sự suy tư mãi chẳng vơi.
Xướng họa giao lưu nâng trí tuệ
Khổ đau, cay đắng lẫn vui cười.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 2: Họa đảo vận
Bài xướng:
Rét Nàng Bân
Tháng Ba hửng nắng, sắp tàn Xuân
Áo ấm cho anh dở mấy phần.
Áp lực thương trường quay chóng mặt
Yêu cầu công sở thúc nhanh chân.
Gia đình, cũng muốn tròn tình Vợ
Xã hội, còn lo vẹn nghĩa Dân.
Em cố may xong, Trời thấu hiểu
Liền cho trở gió: rét Nàng Bân!
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Bài tự họa:
Chuyện Nàng Bân
Tình yêu mãnh liệt của nàng Bân
Trời cũng phải chiều theo ý Dân.
Vừa lóe nắng Nam hừng trước mặt
Đã tràn gió Bắc lạnh bàn chân.
Niềm vui kẻ nhận dù đôi chút
Hạnh phúc người trao gấp bội phần.
Câu chuyện nhân văn đầy cảm động
Sẽ còn mãi mãi với mùa Xuân.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 3: Họa hoán vận. Bài xướng luật trắc, vần bằng. Bài họa
luật bằng vần bằng
Bài xướng:
Đôi gà ở Hạ Long
Đôi gà âu yếm giữa trùng khơi
Làm chứng thiêng liêng có biển trời.
Mãi mãi cùng xem triều vỗ nhịp
Đời đời chung thưởng gió ru hời.
Mơ màng để sóng chiều ve vuốt
Ngơ ngẩn nhìn trăng nước lả lơi.
To nhỏ đắm say ngàn thứ chuyện
Đôi ta chỉ có một trên đời!
PHẠM
THỊ THÚY LAN
Bài họa:
Hòn Trống Mái
Sừng sững trơ gan giữa biển khơi
Sớm chiều nghe tiếng sóng ơi hời.
Chân dầm vô tận mênh mông biển
Đầu đội bao la bát ngát trời.
Câu chuyện ngàn năm không dứt đoạn
Lời nguyền vạn thuở chẳng hề lơi.
Mặc cho trời đất xoay vần mãi
Cứ đứng bên nhau suốt cuộc đời.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 4: Họa vần trắc. Bài xướng luật bằng, vần trắc. Bài họa
luật trắc vần trắc
Bài xướng:
Đông con
Nhà nghèo, con đói… nhìn nheo nhóc
Cả đám thân hình như chiếc cọc.
Áo mặc rách bươm, chúng vẫn chơi
Cơm ăn thiếu thốn, em nào khóc!
Thằng Tèo lẩn quẩn chỉ lo… bò
Con Tũn loay hoay chưa biết… đọc.
Ngẫm nghĩ mới hay cảnh lắm con
Mẹ cha càng khổ nghèo, càng nhọc!
DIÊN
MINH
Bài họa hoán vận:
Lắm vợ
Bồ nhí sinh thêm một cậu nhóc
Ông còn đâu “vợ cái, con cọc”.
Dì Hai đòi hỏi lắm cưng chiều
Chị Cả dằn lòng từng tiếng khóc.
Con trẻ bơ vơ mất hết vui
Người cha vướng mắc chỉ còn nhọc.
Tấm gương ai đó liệu bề soi
Bài học mỗi người tùy ý đọc.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 5: Bài xướng dùng các từ chuyên môn, bài họa phải cũng
phải dùng các từ chuyên môn. Họa nguyên vận. Bài xướng luật trắc, vần bằng. Bài
họa luật bằng vần bằng
Bài xướng:
Miền Quan Họ
Đến hẹn người ơi nhớ lại lên
Miếng trầu cánh phượng chút làm quen.
Anh Hai thanh thản ngồi buông lái
Chị Cả bâng khuâng tựa mạn thuyền.
Bến nước trăng thanh ca điệu lý
Cầu ao gió mát hát giao duyên.
Mây trôi bèo dạt ơi người ở
Giã bạn ngẩn ngơ ánh mắt huyền.
THANH
TÂM
Bài họa:
Quê Chèo
Trống chèo rộn rã đợi trăng lên
Trải chiếu sân đình đón khách quen.
Sa mạc, Dương xuân lưu luyến bến
Đò đưa, Đào liễu nhớ thương thuyền.
Đàn tam, đàn tứ tôn lời nhã
Mớ bảy, mớ ba thắm nét duyên.
Tan hội Lới lơ còn réo rắt
Ngẩn ngơ nhớ ánh mắt đen huyền…
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 6: Các lối chơi Ngũ độ thanh, Bát vận đồng âm
Bài xướng:
Dòng sông Thơ
Xướng họa Đường thi não chẳng già
Vun tình gắn nghĩa bạn cùng ta.
Người khơi tứ đẹp vần say nhả
Kẻ giũa từ hay ý quyện hòa.
Cuộc sống muôn màu sôi những ngả
Tình yêu vạn sắc nở ngàn hoa.
Nguồn thơ rộng lớn như dòng Cả
Nặng chứa trong lòng đỏ mãi sa.
PHẠM
NGỌC TOÀN
Bài họa:
Sông Thơ
Dõi mạng tìm vui thú tuổi già
Làm thơ đáp đổi bạn và ta.
Người giao nghĩa nặng câu còn nhả
Kẻ họa tình sâu ý mãi hòa.
Xuất nữa vần hay tràn mọi ngả
Thu dồn tứ đẹp của ngàn hoa.
Êm đềm sóng vỗ dòng sông Cả
Đỏ thắm đôi bờ những hạt sa.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 7: Khoán thủ, hạn vận (bắt buộc phải họa nguyên vận).
Bài xướng luật trắc, vần bằng. Bài họa luật bằng vần bằng
Bài xướng:
Duyên xưa
Đêm thở hương nồng quyến rũ ta
Xuân kiều nhón bước nhẹ nhàng qua.
Trăng thanh lồng bóng về chung lối
Gió mát đưa duyên kết một nhà.
Hẹn thuở đầu xanh giờ hóa lão
Chờ khi môi thắm hiện nên bà.
Bến xưa đò cũ sông còn biếc
Mơ được cùng nhau hưởng phước già
TRÚC
GIANG
Khoán
thủ:
Đêm Xuân Trăng Gió Hẹn Chờ Bến Mơ. Hạn vận: ta – qua – nhà – bà – già
Bài họa:
Duyên già
Đêm nào ly biệt của hai ta
Xuân níu người đi khó bước qua.
Trăng chiếu đẩy người rời khỏi núi
Gió lay giữ kẻ ở trong nhà...
Hẹn ngày trở lại... thành ông cụ
Chờ buổi gặp nhau... hóa lão bà.
Bến cũ, người xưa, sông núi đó
Mơ sao thắm mãi mối duyên già.
PHẠM
VĂN DƯƠNG
Ví
dụ 8: Tung hoành trục
khoán.
Bài xướng:
“Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ
Từ vùng chiến sự thế tiên phong
Độ ấy binh đao quyết một lòng.
Mang súng diệt thù tâm tỏa sáng
Gươm vung trừ ác dạ ngời trong.
Đi đầu chiến tuyến mười năm chẵn
Mở lối khu Đ chín tháng ròng.
Cõi mộng luôn nghiêng về hướng Bắc
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long!
XUÂN
LỘC
* Câu khoán được lấy từ bài thơ “Nhớ
Bắc” của “Thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ.
Bài họa:
Đi chiến đấu
Từ trong huyết quản khí xung phong
Độ nóng trào dâng bỏng cháy lòng.
Mang nặng tinh thần luôn phấn khởi
Gươm ngời lý tưởng mãi tươi trong.
Đi đường thắng lợi quên mưa xối
Mở lối thành công mặc nước ròng.
Cõi lạ những đêm hoài kỷ niệm
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long!
PHẠM
VĂN DƯƠNG.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét