Lý Bạch 李白
(701 – 762), thời thịnh Đường, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở Cam
Túc, nhưng sinh ra ở làng Thanh Liên, tỉnh Tứ Xuyên. Người đời phong cho ông là
Thi Tiên, Tửu trung Tiên,v.v...
Ông thích thơ ca, săn bắt, ngao du sơn thủy, bạn vong niên với Đỗ Phủ (hơn Đỗ
Phủ 11 tuổi).
Bí ẩn về cái chết của Lý Bạch
Tương truyền, năm 61 tuổi, Lý Bạch
đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống rượu say, thấy ánh trăng
lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm “Chị
Hằng” mà
chết. Đó là tương truyền, còn cuốn “Dung
Trai tùy bút” của Hồng Mại, đời Tống cũng đề cập đến cái chết
của Lý Bạch, nhưng nguyên nhân hoàn toàn khác. Theo cuốn sách đó thì Lý Bạch bị
bệnh và qua đời trong phủ huyện,
người chú họ là Lý Dương Băng làm huyện lệnh Đương Đồ, tỉnh An Huy.
Chuyện đã xảy ra hơn ngàn năm, chưa biết thực hư thế
nào. Liệu có phải người đời đã tưởng tượng ra và truyền miệng chuyện nhà thơ ôm
bóng trăng rồi chết đuối cho đúng với tính cách “Tửu trung Tiên” của
Lý Bạch không? – “Tương truyền” mà! Còn cuốn “Dung Trai tùy bút” tường thuật cả quá trình lâm bệnh của Lý
Bạch. Sách được viết thời Tống, tiếp ngay sau nhà Đường, tư liệu có hoàn toàn
chính xác không? Nhưng “tương
truyền” cũng nói cụ thể nhà
thơ đã nhảy xuống sông Thái Thạch. Liệu có phải trong đời mình ông đã từng nhảy
xuống sông để ôm chị Hằng, nhưng được vớt lên, không chết. Rồi người đời lại
thêu dệt ra cho thêm phần “lãng
mạn”?
Một vài bài thơ của Lý Bạch
Bài
1:
HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG
LĂNG
Cố nhân tây từ
Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt
hạ Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh
bích không tận,
Duy kiến Trường
Giang thiên tế lưu.
Dịch
nghĩa:
LẦU HOÀNG HẠC TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG
LĂNG
Bạn cũ từ biệt tại
lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Hoa khói tháng ba
xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm
đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường
Giang vẫn chảy bên trời.
Bản
dịch thơ của Đinh Nho Hồng:
Tiễn bạn về tây tại
Hạc lâu
Tháng ba hoa khói
xuống Dương Châu
Trường Giang vẫn
chảy bên trời thẳm
Bóng chiếc buồm
đơn biếc một màu
Chú
thích:
1/- Lầu Hoàng Hạc được dựng trên ghềnh đá Hoàng Hộc, núi Xà Sơn, ở
phía tây nam phủ Vũ Xương xưa, nay là thành Vũ Xương, cùng với thành Hán Khẩu,
cách nhau bởi cầu Trường Giang, tạo nên thành phố Vũ Hán, nằm hai bên bờ sông
Dương Tử (Trường Giang), tỉnh Hồ Bắc. Lầu được xây từ đời Đông Ngô, thời Tam Quốc,
là thắng cảnh gắn với truyền thuyết người tiên cưỡi hạc vàng (hoàng hạc). Tương truyền Phí Huy Văn khi lên
tiên từng cưỡi hạc vàng đỗ lại đây.
Đã có nhiều thơ văn đề vịnh về
Hoàng Hạc lâu, được nhắc đến nhiều nhất là thơ Lý Bạch và Thôi Hiệu (trong phần dịch thơ này, chúng tôi
cũng sẽ giới thiệu thơ Thôi Hiệu). Nhiều thi nhân nổi tiếng khác của Trung Quốc,
cũng như các sứ thần Đại Việt khi sang Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) đã ghé qua
đây và để lại những bài thơ bất hủ về địa danh này.
2/- Quảng Lăng nay thuộc huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô. Dương Châu tức Quảng Lăng
3/- Mạnh Hạo Nhiên: Nhà thơ cùng thời với Lý Bạch (sẽ được giới thiệu trong thơ Mạnh Hạo Nhiên
dưới đây).
Bài
2:
ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI
Phượng Hoàng đài
thượng phượng hoàng du,
Phượng khứ đài
không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo
mai u kính,
Tấn đại y quan
thành cổ khâu.
Tam Sơn bán lạc
thanh thiên ngoại,
Nhị thủy trung
phân Bạch Lộ châu.
Tổng vị phù vân
năng tế nhật,
Trường An bất kiến
sử nhân sầu.
Dịch
nghĩa:
LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG
Trên đài Phượng
Hoàng đã từng có phượng hoàng qua lại
Từ khi phượng bay
mất chỉ còn trơ đài và nước sông tự chảy
Hoa cỏ che lối đi
âm u của Ngô cung
Khăn đai quan lại
đời Tấn đã thành gò hoang
Dãy Tam Sơn nhô
lên nối liền với trời xanh xa tít
Bãi bồi Bạch Lộ
chia đôi hai nhánh sông
Chỉ bởi tại mây
trôi làm che mất mặt trời
Không nhìn thấy
Trường An làm người ta cảm thấy u sầu
Bản
dịch thơ của Đinh Nho Hồng:
Đài Phượng Hoàng
xưa phượng ghé chơi
Phượng đi đài vắng,
nước sông trôi.
Cung Ngô hoa cỏ
trùm đường ngõ
Đời Tấn khăn đai
hóa đất đồi.
Dãy núi Tam Sơn
trời che nửa
Bãi bồi Bạch Lộ
nước chia đôi.
Mây bay phủ khuất
mờ vầng nhật
Đâu bóng Trường
An? Dạ rối bời.
Chú
thích: Thành Kim Lăng ở Nam Kinh, được xây đắp từ đời Đông Ngô, nơi đóng đô
của sáu triều đại: Đông Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần. Cuối đời Đông Tấn
được đổi tên là Đài Thành. Đến nay, di chỉ còn lại ở ven hồ Huyền Vũ, thành phố
Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Nhiều nhà thơ Trung Hoa, đặc biệt vào thời Đường, đã để
lại những bài thơ bất hủ về Kim Lăng. Còn thành Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô
ngày nay, từng là kinh đô một thời của nhà Minh, trước lúc dời lên Yên Kinh (Bắc
Kinh).
Trung Hoa xưa còn có một tòa thành
nữa được vua Đường Huyền Tông đặt tên là Nam Kinh.
Năm 755, tướng Hồ là An Lộc Sơn phản
lại nhà Đường, kéo quân chiếm hai kinh đô Trường An (gọi là Tây Kinh) và Lạc
Dương (gọi là Đông Kinh). Vua Đường Huyền Tông phải chạy đến Thành Đô (đất Thục)
và gọi là Nam Kinh. Ông nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng.
Nhân sự kiện này, Lý Bạch đã làm 10
bài thơ lấy tên là “Thượng
hoàng Tây tuần Nam Kinh ca”,
từ kỳ 1 đến kỳ 10. Có nghĩa là "Bài ca Thượng hoàng đi tuần về phía Tây đến
Nam Kinh", từ bài 1 đến bài 10.
Lý Bạch cố tình nói chệch là Thượng
hoàng đi tuần, thực chất là vua chạy loạn. (Có lẽ tác giả sống dười thời nhà Đường,
nên không thể nói thẳng).
Sau đây xin giới thiệu kỳ 4 trong
loạt bài trên của Lý Bạch:
Thùy đạo quân
vương hành lộ nan,
Lục long tây hạnh
vạn nhân hoan.
Địa chuyển Cẩm
Giang thành Vị Thủ,
Thiên hồi Ngọc
Lũy tác Trường An.
Dịch
nghĩa:
THƯỢNG HOÀNG TÂY TUẦN NAM KINH CA, KỲ 4
Ai nói với nhà
vua đường đi khó
Sáu con long mã về
Tây đem niềm may mắn, vạn người vui mừng
Đất chuyển sông Cẩm Giang thành sông Vị Thủy
Trời xoay Ngọc
Lũy nhìn giống Trường An.
Bản
dịch thơ của Đinh Nho Hồng:
Về Tây vua tiến
chẳng gian nan
Mừng rỡ muôn dân
đón Thượng Hoàng.
Đất chuyển Cẩm
Giang thành Vị Thủy
Trời xoay Ngọc
Lũy tựa Trường An.
Bài
4:
BỒI THỊ LANG THÚC DU ĐỘNG ĐÌNH TÚY HẬU
Hoa khước Quân
sơn hảo,
Bình phô Tương thủy lưu.
Ba Lăng vô hạn tửu,
Túy sát Động Đình thu.
Dịch
nghĩa:
SAU KHI ĐI CHƠI HỒ ĐỘNG ĐÌNH VỚI
CHÚ LÀM THỊ LANG, UỐNG TỚI SAY
Chèo thuyền rời
núi Quân tốt,
Nước sông Tương
êm trôi phẳng lặng.
Rượu uống trên
núi Ba Lăng tha hồ,
Vẻ thu ở hồ Động Đình
đẹp mê hồn khiến người say.
Bản
dịch thơ của Đinh Nho Hồng:
Rời núi Quân êm đẹp
Tới sông Tương phẳng
lỳ.
Rượu Ba Lăng thỏa
thích
Thu Động Đình mê
ly.
Chú
thích: Hồ Động Đình là một hồ nổi tiếng thuộc phủ Nhạc Châu, nay là huyện
Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Sông Tương là một sông lớn chảy vào hồ. Trong hồ có
núi Quân (Quân Sơn), là một đảo gồm 12 ngọn núi ở giữa hồ, có giống trà nổi tiếng.
Xưa kia, đây là nơi ẩn cư của các đạo sĩ. Tương truyền cung phi của vua Thuấn
là Tương Quân đã đến đây, nên được mang tên là Quân Sơn. Những địa danh liên
quan đến quần thể hồ Động Đình đã gây thi hứng cho biết bao mặc khách tao nhân. Ba Lăng cũng thuộc huyện Nhạc Dương,
tỉnh Hồ Nam.
ĐINH NHO HỒNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét