Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Lẽ thường

 

Có tụ rồi tan vốn lẽ thường

Sống đời giả tạm hỏi sao vương.

Cửa nhà đất cát xoay cơm áo

Danh lợi tình tiền đắm phấn hương.

Đến buổi suy tàn thân khổ luỵ

Qua hồi khóc hận kiếp đau thương.

Ước chi níu giữ thời gian lại

Hành thiện yêu người đẹp mỗi chương.

HOA ĐĂNG

 

 

Lời bình của Nguyễn Đức Thụ

 

Cuộc đời là một đối tượng mà mỗi chúng ta phải suy ngm sâu xa để hiểu cho đến tận cùng. Nhưng hỡi ơi, nào ai đã biết cho được cái lẽ tận cùng của cuộc đời, ngoài những cái lẽ thường mà ta thường thấy.

Lẽ thường!

Tác giả đã mở đầu bằng 2 câu thơ:

Có tụ rồi tan vốn lẽ thường

Sống đời giả tạm hỏi sao vương”.

Vâng, cái lẽ thường của cuộc đời là thế, là rồi tụ, lại rồi tan, như mây trời vậy; mây trời có lúc tụ lại, có lúc tan ra.

Đỗ Phủ có câu thơ cám cảnh cho người bạn nghèo: “Trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc biến thành chó xanh” (Thiên thượng phù vân như bạch y, Tu tư hốt biến vi thương cẩu).

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, cũng có câu trong Tần Cung Oán Ngâm Khúc: “Lò cừ nung nấu sự đời/ Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

Hiện tượng tự nhiên về cái lẽ hợp tan nó lại nghiệm vào cuộc đời sâu xa, huyền bí và lại bâng khuâng man mác buồn, nó lại thấm sâu vào thơ Hoa Đăng. Nhưng điều rút ra ở đây lại là: “Sống đời giả tạm hỏi sao vương”. Nó tụ, nó tan; tụ mãi, rồi phải tan; thịnh mãi, rồi cũng suy. Biết thế, thì làm sao phải buồn, phải vương vấn. Tác giả muốn khuyên ta chăng.

Rồi nào là:

Cửa nhà đất cát xoay cơm áo

Danh lợi tình tiền đắm phấn hương”.

Vâng đã biết lẽ hợp, tan, đã biết lẽ thịnh, suy chỉ là vật tương đối, thì không hiểu sao con người cứ tăm tối lao vào vòng xoáy, lúc lo đất cát, nhà của, cơm áo; lúc tính đến danh lợi, tiền tình, son phấn làm chi…

Ôi, xã hội mà, cuộc đời mà… Tuy là ai cũng thông lẽ hợp tan, cũng thông lẽ thịnh suy, nhưng đến khi kết cục thì mới vỡ òa ra.

Đến buổi suy tàn thân khổ lụy

Qua hồi khóc hận kiếp đau thương”.

Quả thật, chỉ đến khi thân khổ lụy, đến lúc kiếp đau thương… thì ta mới thức được lẽ đời…

Và vào khi đó, ta mới ước:

Ước chi níu giữ thời gian lại

Hành thiện yêu người đẹp mỗi chương.

Ước, nếu ta còn quỹ thời gian, còn tuổi trẻ… thì ta sẽ hành thiện, ta sẽ yêu thương hết thảy, ta sẽ theo chủ thuyết “kiêm ái” của Mặc Tử, thuyết nhân bản của Khổng Tử, thuyết vị tha của Như Lai… ta sẽ sống vị nhân sinh, ta sẽ, ta sẽ…

Không kịp nữa rồi, Máy Tạo cứ vùn vụt quay về nơi vô cùng cực.

Bài thơ đã nhắc nhở chúng ta một chân lý, đời người là quá ngắn, chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi ân hận, khỏi tiếc nuối, vì ta đã bỏ phí bao cơ hội làm người thiện lương.

Tôi xin cảm ơn Hoa Đăng đã cho tôi đọc bài thơ này…

 

NGUYỄN ĐỨC THỤ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét