Vừa
rồi, có một hai ACE tranh luận hơi to về bệnh thơ, coi bệnh thơ là luật thơ.
Tôi thấy cần thiết nên đăng lại bài này, mong ACE chưa đọc, nay xin đọc lại để
cùng nhau trao đổi.
Bài
viết này chỉ xin đề cập đến vấn đề: Thử tìm hiểu sự khác nhau, sự giống nhau giữa
các dòng thi pháp, tránh tình trạng đa luận, đa thức, làm cho người mới vào
làng Đường luật phải bỡ ngỡ với câu hỏi đâu đúng, đâu sai.
Đọc
thơ trên mạng hiện nay, tôi thấy phong trào sáng tác thơ luật Đường đang có 3
thi phái,
chúng bình đẳng với nhau như sau:
1- Thi
phái Trần Trọng Kim
Trần Trọng Kim (1883 – 1953) là một học giả lớn của Việt Nam. Ông truyền bá cách làm thơ luật trong “Việt Nam Văn phạm”, NXB Lê Thăng, 1939 – 1940. Dưới đây xin viết tắt là Thi phái TTK. Phái thi pháp này chỉ chú trọng đến 5 luật cơ bản của thơ; đó là:
- Bố cục;
- Vần;
- Đối;
- Luật bằng trắc
- Niêm.
Thi phái TTK nói: Để thơ giảm bớt sự gò gẫm,
các cụ xưa đã đưa ra lệ “nhất tam ngũ bất luận/ nhị tứ lục phân minh”. Nghĩa là, các chữ trong một
câu thơ ở vị trí 1, 3, 5 được phép tùy ý người làm thơ đặt bằng hay trắc, không
cần theo quy
định. Còn các chữ ở vị trí 2, 4, 6, 7 thì nhất thiết phải giữ đúng bảng luật.
Từ
cái lệ này, lại phát sinh ra bệnh khổ độc (khó đọc), nên lại phải đưa ra quy định đối với thơ thất ngôn:
- Chữ ở vị trí thứ 3 trong câu có vần, trừ
câu thứ nhất, nếu nó vốn là thanh bằng, thì không được phép đổi thành thanh trắc,
nhưng nó vốn là thanh trắc, thì cho phép chuyển thành thanh bằng, vì theo lệ
tam bất luận.
- Chữ thứ 5 trong câu không vần, thơ luật trắc:
nếu nó vốn là bằng thì phải giữ nguyên; nếu nó vốn là trắc, thì theo tam bất luận,
ta có thể đưa nó thành bằng.
- Chữ thứ 5 trong câu không vần, thơ luật bằng:
nếu nó vốn là bằng, mà ta đổi thành trắc, thì không xẩy ra khổ độc.
Nhà
nghiên cứu thi pháp Lạc Nam, vào thập niên 90 thể kỷ trước, trung thành theo Thi phái TTK, còn nói rõ thêm một số khuyết tật
trong thơ Đường luật nên tránh (NÊN chứ không là PHẢI):
Năm
bệnh thuộc về VĂN PHÁP:
1. Bênh dùng nhiều
hư từ (như:
thì, là, bởi, lại, nhưng…).
2. Bệnh điệp từ
không có dụng ý.
3. Bệnh điệp ý ở các câu và bệnh “nứa bổ” trong cặp Thực, Luận.
4. Bệnh điệp vần
5. Bệnh mạ đề, từ câu 3 đến câu 8 có nhắc
đến các chữ của đầu đề.
Bốn
bệnh thuộc về THI NHẠC:
1.
Bệnh Phong Yêu,
theo
Lạc Nam là:
chữ thứ 2 điệp âm với từ thứ 6; từ thứ 4 điệp âm với chữ thứ 7 trong một câu.
Nhưng Lạc Nam nói thêm, chỉ cố tránh từ thứ 4 thôi, còn như từ thứ 2, tránh được
cũng tốt mà không tránh được cũng không sao.
2.
Bệnh Hạc Tất,
theo
Lạc Nam là:
một câu thơ bị gãy làm 3 đoạn (như:
Ngày tái ngộ/ hòa cài/ đẹp bút – Chữ tương phùng/ nét điểm/ tươi son).
3.
Bệnh Bình Đầu,
theo
Lạc Nam là:
3 – 4 chữ đầu câu của cặp Thực, Luận có cấu trúc ngữ pháp
giống nhau.
4.
Bệnh Tịnh Cước theo Lạc Nam là:
3 từ cuối câu của cặp Thực,
Luận
giống nhau về cấu trức ngữ pháp.
Ngoài
9 bệnh trên ta không thấy Lạc Nam nói đến các bệnh nào nữa.
2- Thi
phái Quách Tấn (ông sống trong khoảng 1910 – 1992)
Thi
phái này cũng như Thi phái TTK, rất coi trọng LUẬT thơ. Còn về thi bệnh, ông có nêu 5 bệnh về văn
pháp giống Thi phái TTK như đã nói bên trên. Và, ông có nêu 8 bệnh về thi nhạc như sau:
1. Bình Đầu;
2. Tịnh Cước; (1) (3) giống như Thi
phái TTK.
3. Bàng Nữu;
4. Chánh Nữu; (3) (4) trong Thi phái TTK không thấy nêu.
5. Phong Yêu, khác
hẳn với Thi phái TTK. Là bệnh mà chữ thứ 2 điệp thanh với chữ thứ 7.
6. Hạc Tất, cũng
khác hẳn với Thi phái TTK.
Là bệnh mà chữ thứ 4 điệp thanh với chữ thứ 7.
7. Tiểu Vận, là chữ
thứ 2 điệp âm (điệp vần) với chữ thứ 6.
8. Đại Vận, là chứ
thứ 4 điệp âm (điệp vần)
với chữ thứ 7.
Tôi
trình bầy theo nội dung bên trên là tôi mặc nhiên coi ACE đã đọc, đã thuộc luật
thơ, thuộc bệnh thơ. Và, ai cũng hiểu lai lịch nguồn gốc của luật
thơ, bệnh thơ.
Bệnh
thơ có trước luật thơ. Sách
xưa có nói, cứ có người là có bệnh về người, cũng như cứ có thơ là có bệnh của thơ.
Luật
thơ có từ thời Thịnh Đường, (716 – 766). Vậy bệnh thơ đã có từ những năm trước
đó rất xa. Nhưng cho mãi đến thời nhà thơ Thẩm Ước (441 – 513), ông mới là người phát biểu
lên là THI BỆNH.
Tôi
nói đến việc này là để cho có một số ACE cho rằng, bệnh thơ chỉ là do hôm nay
hiếu kỳ đặt ra.
3.
Ngoài 2 Thi phái nêu trên, ta còn thấy nhiều Thi phái nêu ra thi luật, thi bệnh
chặt chẽ hơn.
Có
Thi phái, đồng thuận về thi bệnh như Thi phái Quách Tấn, nhưng về luật thơ thì
chỉ theo đúng bảng luật Bằng Trắc, không làm theo tam bất luận. Chỉ chấp nhận
phép đối chỉnh thể, không chấp nhận các phép khoan đối.
Lại
còn một Thi phái mới nữa ra đời. Đó là thi phái NGŨ ĐỘ THANH do Ngô Bích Thuận
(Ngô Gia Tôn Tử), gốc Việt, sống ở Đài Loan công bố lần đầu tiên trên MXH vào đầu
năm 2013.
Nay,
tôi xin phát biểu:
Các
thi pháp của các thi phái đều có cái hay riêng. Theo thứ tự trình bầy của bài
viết này thì, các thi phái càng về sau, thì càng tinh tế, diệu nghệ. Nhưng tôi nghĩ: Để làm được thơ NGŨ ĐỘ
THANH mà đạt đến độ hoàn hảo về thanh luật, về thi tứ, thì công phu lắm, phải
là tay làm thơ điêu luyện mới theo được. Cũng
vậy, để theo được Quách Tấn, vừa sạch bệnh, vừa có thi tứ, vừa có ý hàm xúc,
thì người học hỏi cũng rất công phu.
Cho
nên, với các thi pháp đã nêu, trong giai đoạn này, chúng ta khuyến khích ai học
được cứ làm, cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Còn ai ít dụng công hơn, thì có thể cứ
theo thi phái Trần Trọng Kim – Lạc Nam, nghĩa là ta cứ theo tiền nhân từ nhiều
thế kỷ trước; Thi phái
này có khuynh hướng tự do hơn về thanh luật, dễ tiếp thu hơn đối với người mới
học làm thơ Đường luật. Và,
khi đã thành thạo rồi, ta phải tìm cách nâng cao học theo QuáchTấn, học theo
cách “phi tam bất luận”.
Cuối
cùng, tôi vẫn xin ACE đừng nhầm BỆNH thơ là LUẬT thơ. Luật thơ thì có 5 như đã
nói trên đây. Còn bệnh thơ thì có nhiều. Thơ mắc bệnh chỉ là thơ chưa hay về nhạc
tính, chứ không phải là thơ thất luật.
Xin
trao đổi mấy ý kiến, xin ACE cùng cảm thông, và không nên kỳ thị nhau về thơ mắc bệnh.
NGUYỄN ĐỨC THỤ
(Phó Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét