Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Bài thơ Lục bát có cấu trúc Đường luật

Nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Ngày 18-8-1949, trong chuyến đi công tác bằng đường sông, Bác Hồ viết bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”.


Cần nói rõ, sông này còn gọi là Phó Đáy, bắt nguồn từ phía Bắc, chảy qua Bắc Cạn, Tuyên Quang gần vùng Tân Trào, rồi đổ vào sông Hồng ở gần Vĩnh Yên. Chính quốc lộ 2C men theo sông này để nối Vĩnh Yên với đường từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên. Trong bài “Việt Bắc”, Tố Hữu có câu “Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy” chính là nói về con sông này.
Có người nhầm sông này với sông Đáy là chi lưu sông Hồng từ cửa Hát Môn, chảy dọc phía Tây Hà Nội, qua Phủ Lý rồi đổ ra biển tại Cửa Đáy nên nói rằng bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” không phải của Bác Hồ vì Bác có đến sông Đáy (Hà Nam) đâu. Tuy nhiên chỉ cần đọc bài thơ, ta sẽ nhận ra ngay tư tưởng, phong thái, cốt cách Hồ Chí Minh.
Tôi không đi sâu phân tích giá trị tư tưởng, nghệ thuật bài thơ chứa chan tình yêu nước, thương nòi, yêu thiên nhiên tươi đẹp,... Tôi chỉ nói về một khía cạnh đặc biệt của bài thơ là thơ Lục bát có cấu trúc Đường luật.
Bài thơ như sau:

ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG ĐÁY

Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo.
Bốn bể phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.
“Lòng riêng riêng những bàn hoàn” (*),
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Thuyền về, trời đã rạng đông,
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

HỒ CHÍ MINH

Bài thơ gồm 8 câu lục bát. Hai câu đầu mở ra phong cảnh con thuyền trôi trên sông thơ mộng, như 2 câu “đề” của bài thất ngôn bát cú. Hai câu 3, 4 thực sự là câu “thực” mô tả chuyến đi công tác đó. Hai câu 5, 6 đúng là câu “luận” có giá trị tư tưởng rất cao và cũng thể hiện phong cách tư tưởng vĩ đại của tác giả. Hai câu 7, 8 là câu “kết” thật giá trị, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ là chuyến đi này mà là tương lai tươi sáng của dân tộc sẽ đến ngày kháng chiến thắng lợi, nước nhà giành được độc lập, tự do.
Tác giả “Nhật ký trong tù” với những bài thơ sánh ngang thơ Đường, thơ Tống với cốt cách ung dung của một Nhà Nho, đã làm các bài thơ lục bát 4 câu, 8 câu có âm hưởng của thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú mà bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” là một ví dụ.
Nhân đây tôi nói thêm một ý là cấu trúc 4 cặp câu “đề”, “thực”, “luận” và “kết” là một đặc trưng quan trọng của thơ Đường luật thất ngôn bát cú, tạo nên vẻ đẹp của thơ Đường luật. Chính cấu trúc chặt chẽ này quyết định tính hàm súc rất cao của thơ Đường luật. Chỉ có đúng 8 câu 7 chữ phải chuyển tải toàn bộ tư tưởng, tình cảm, những triết lý sâu xa, những điều cần nhắn gửi tới người đọc… Rồi cả cảm xúc, thi hứng, cốt cách của tác giả, đủ cả tả cảnh, tả tình… bó gọn trong 56 chữ.
Đọc xong 2 câu “đề”, người đọc đã hiểu bài thơ tác giả định nói vấn đề gì. Hai câu “thực”, chỉ là một đôi câu đối ngắn nhưng phải chuyển tải toàn bộ nội dung của câu chuyện đang nói. Hai câu “luận” cũng là một đôi câu đối có vị trí đặc biệt trong bài thơ, đó là những suy nghĩ sâu xa của tác giả, bàn luận rộng vấn đề đang đề cập, nó cũng là những điều tác giả muốn gửi gắm, những tâm sự… Đến 2 câu “kết” thì thật hoàn chỉnh, nâng tầm giá trị bài thơ, mở ra những suy tư cho người đọc, làm cho dư vị của bài thơ còn mãi về sau.
Có người nói vắn tắt: 4 câu đầu tả cảnh, 4 câu sau tả tình. Nói thế e không đầy đủ nhưng phần nào thể hiện cấu trúc bài thơ thất ngôn bát cú. Hiện nay, có người làm thơ luật Đường chỉ chăm lo sao khỏi “thất luật”, “thất niêm”, “thất đối” mà chưa chú ý đúng mức tới cấu trúc 4 cặp câu kể trên làm cho bài thơ bị giảm giá trị đi nhiều.

(*) Thơ Nguyễn Du.
PHẠM VĂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét