Nếu
trong kho tàng văn học Việt Nam, thơ ca là một vườn hoa đa sắc màu, với nhiều
thể loại như ca dao, tục ngữ, câu đố, thơ lục bát, câu đối, thơ tự do,... thì
thơ Đường luật là một bông hoa đặc sắc nhất nhì trong vườn hoa đó. Rất nhiều những
bậc danh nhân, hào kiệt như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Lê
Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh,… cũng như các thi nhân nổi
tiếng từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện
Thanh Quan cho đến gần hơn là Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Tú Xương,… cũng đều đã từng
có những bài thơ Đường nổi tiếng làm giàu đẹp cho thơ ca Việt Nam.
Tại gian trưng bày triển lãm tác phầm thơ Đường
luật Việt Nam
tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh
Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thơ
Đường bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng trở nên thịnh hành từ thời nhà Đường (Trung
Quốc). Triều đại nhiều biến động ấy kéo dài gần 3 thế kỷ, từ năm 618 đến năm
907. Trải suốt 4 thời kỳ sơ Đường, thịnh Đường, trung Đường và vãn Đường đã quy
tụ được khá nhiều vị vua thông minh, hiếu học và yêu chuộng văn chương nên văn
học thời nhà Đường phát triển rất mạnh mẽ, và thể loại được chú trọng nhất
trong thời kỳ này chính là thơ ca. Gần như những tên tuổi lớn nhất của thi ca
Trung Quốc như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột, Mạnh Hạo
Nhiên,… cùng nhiều kiệt tác thơ ca như Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Tỳ bà hành (Bạch
Cư Dị), Hiệp khách hành (Lý Bạch), Thạch Hào lại (Đỗ Phủ), Phong Kiều dạ bạc
(Trương Kế), Đề tích sở kiến xứ (Thôi Hộ), Ẩm tửu khán mẫu đơn (Lưu Vũ Tích),…
đều được ra đời trong thời kỳ này.