Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Hồ Chí Minh với thơ Đường Luật

Giáo sư Phong Lê – người có nhiều năm nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của Bác Hồ, trong cuộc trò chuyện nhân kỷ niệm sinh nhật của Bác đã từng nói: “Đọc văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, tôi luôn luôn đặt cho mình các câu hỏi về những bí ẩn chưa biết hết được. Nghiên cứu về Bác và văn thơ Bác, đối với tôi, là đứng trước những bí ẩn ấy”.


Đã biết bao nhiêu bài viết, công trình có giá trị trong nước và trên thế giới nghiên cứu về Bác và đã phần nào làm nỗi bật được vai trò của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đúng vậy, những bí ẩn chưa biết hết được về Bác còn rất nhiều nhưng không thể không kể đến di sản thơ Đường Luật mà Người để lại.
Sinh thời Bác Hồ từng nói “Ngâm thơ ta vốn không ham”, Bác làm thơ, viết văn không phải mong muốn mình trở thành nhà văn nhưng thực tế hoạt động cách mạng Người nhận thức được tầm quan trọng của văn nghệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là vũ khí đấu tranh đắc lực trên mặt trận văn hóa tư tưởng và cũng là nơi để Bác bày tỏ tâm hồn đa cảm, tinh tế của mình. Trong di sản văn học Bác để lại có truyện và  ký, văn chính luận và thơ. Trong giới hạn của một bài tham luận tôi xin nêu một số suy nghĩ của mình về thơ Đường Luật của Bác.
Vốn xuất xứ từ thời Đường ở Trung Quốc và được truyền bá vào Việt Nam trong thời  kỳ ngàn năm Bắc thuộc, thơ Đường Luật đã trở thành một thể thơ đặc biệt được các nhà thơ trung đại và hiện đại của nước ta yêu thích và tạo được một vị trí vững chắc trong lịch sử thơ ca nước ta. Sáng tác thơ Đường đúng luật đã khó chưa nói đến việc có những bài thơ hay vì đây vốn là thể thơ rất chặt chẽ về niêm, luật, vận, đối, ngắt nhịp, hài thanh,... Vì quá chặt chẽ về niêm luật nên không ít những nhà thơ nỗi tiếng của nước ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến hay Hồ Chí Minh đã Việt hóa thơ Đường, phá luật, cách luật để thuận lợi hơn trong việc bộc lộ tâm tư tình cảm của mình.
Thơ Đường Luật của Bác được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ quốc ngữ trong đó nỗi bật nhất là tập thơ “Nhật ký trong tù” , những bài thơ sáng tác khi hoạt động cách mạng ở Việt Bắc và các bài thơ chúc tết... Để làm được thơ Đường bằng chữ Hán đòi hỏi người sáng tác phải tinh thông Hán học. Chúng ta đều biết, Bác Hồ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ngay từ nhỏ đã được học chữ Hán một cách cơ bản. Trình độ Hán ngữ của Bác chắc chắn đã được bổ sung và nâng cao khi Người quen biết một số nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc ở Pari và trên hết là những nổ lực tự học không biết mệt mõi của bản thân. Sự tinh thông Hán ngữ của Bác thể hiện ở những bài thơ Bác làm bằng chữ Hán mà chúng ta đều biết qua tập “Nhật ký trong tù” với 133 bài và những bài thơ chúc tết khác. Những bài thơ làm theo thể Đường Luật của Bác hay đến mức mà Quách Mạt Nhược – nhà vǎn hóa lớn của Trung Quốc phải thốt lên nếu để lẫn thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh với thơ Đường khó có thể phân biệt được.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ tứ tuyệt và thất ngôn bát cú được viết bằng chữ Hán thể hiện sự am hiểu tuyệt vời về Hán tự cũng như thể thơ Đường Luật của Bác. Đọc “Nhật ký trong tù”, ta nhận ra sự ảnh hưởng đậm đặc của chất Đường thi, bút pháp cổ điển trong phong cách thơ của Người. Nghệ thuật đối, bút pháp ẩn dụ, điệp từ đã được Bác sử dụng rất tài tình và khéo léo.
Một đặc điểm nghệ thuật luôn bao trùm trong thơ Đường Luật của Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, là sự hòa quyện giữa chất thơ và chất thép, giữa hình tượng người chiến sỹ và thi sỹ. Do vậy mà thơ Bác dù mang phong vị thơ Đường, Tống nhưng không u buồn, cổ kính như thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch mà hình ảnh thơ luôn mới mẻ, hiện đại, phóng khoáng, tứ thơ luôn hướng về ánh sáng, tương lai. Thơ Đường của Bác không thiếu mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông như thơ cổ nhưng điểm đọng lại ấn tượng nhất sau khi đọc vẫn là hình ảnh con người cách mạng, con người lao động với tinh thần lạc quan, ý chí phi thường, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Trong bài “Khán "Thiên gia thi" hữu cảm” (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) Bác viết:
“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong”.
Nam Trân dịch:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”
Thiên nhiên trong thơ Đường của Bác gắn bó với cuộc sống, với con người, với tình yêu, với thơ. Truyền thống của thơ ca phương Đông càng đặc biệt chú ý đến vai trò của thiên nhiên. Bác Hồ sáng tác “Nhật ký trong tù” trong điều kiện lao tù khắc nghiệt, vậy mà bài thơ vẫn tràn ngập hình ảnh của thiên nhiên. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai có nhận xét: “Trong Nhật ký trong tù thiên nhiên chiếm một địa vị danh dự”. Mây, gió, trăng, hoa, trong thơ xưa cũng hiện diện trong thơ Bác, tất nhiên là với màu sắc mới. Hình ảnh của núi sông cũng cao đẹp, hùng vĩ và thơ mộng và chứa chất tình người mà ta bắt gặp trong bài “Mới ra tù tập leo núi”:
“Núi ấp ôm mây mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ.”
Hay là câu thơ “Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn ” trong bài thơ “Giải đi sớm”.
Sỡ dĩ thiên nhiên chiếm vị trí danh dự trong tập thơ còn vì đó là cảm hứng sáng tạo bất tận, là bạn tri âm tri kỹ của Bác, là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng tự do cháy bỏng... mà hình ảnh ánh trăng la một ví dụ:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Điều làm nên nét hiện đại trong thơ Đường của Bác chính là chất “thép”, là tinh thần “xung phong” của thi nhân. Nhà lao Tưởng Giới Thạch không thể giam cầm được tâm hồn của Bác, đó là một tâm hồn phong phú, cao đẹp của người tù vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng, đau đáu hướng về Tổ quốc. Ngay cả trong lúc ngủ niềm thủy chung với cách mạng của Người luôn thường trực, trước sau như một. Đó còn là tinh thần, ý chí, khát vọng tự do cháy bỏng, mãnh liệt luôn cháy trong tâm thức người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù đang phải chịu cảnh lao tù, xiềng xích.
“Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
Ánh sáng, niềm tin vào tương lai, hình ảnh con người lao động khỏe khoắn, yêu đời...là những điều xuất hiện thường xuyên trong các bài thơ Bác viết dù được sáng trong trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tóm lại, thơ Đường của Bác thể hiện những nội dung tư tưởng vô cùng lớn lao của Người. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị hiện thực và nhân đạo, giữa chất thép và tình cảm; đó là sự đau thương, cực nhọc nhưng lại xen lẫn ở đó những tiếng cười trào phúng; đó là sự đau khổ buồn bã nhưng cao hơn cả là niềm tin, khát vọng, là sự lạc quan chưa bao giờ dập tắt trong tâm hồn một chiến sỹ cộng sản. Phải chăng vì thế mà nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đọc thơ Bác từng viết:
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”
Bên cạnh các bài  thơ Đường trong tập “Nhật ký trong tù”  thì những bài thơ Đường viết về mùa xuân hay chúc tết cũng rất đáng lưu ý. Qua những vần thơ viết về mùa xuân, chúng ta thấy ở Bác luôn có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân cùng với một cốt cách, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Xuân khơi nguồn cảm hứng thơ. Thơ lấy xuân làm nguyên cớ. Xuân tự đất trời và xuân tự lòng người hòa quyện, tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ kết tụ, Bác để lại cho đời những vần thơ vừa rung động, tràn ngập sắc xuân, vừa toát lên tinh thần lạc quan, khoẻ khoắn của một ý chí lớn: ý chí cách mạng.
Theo thơ chúc tết của Bác, chúng ta như được dịp ôn lại lịch sử của dân tộc, được dịp nhìn lại những năm tháng kháng chiến của toàn dân vừa trường kỳ gian khổ vừa thắng lợi vẻ vang.
Xin được cô đọng vấn đề ở hai bài thơ Đường của Bác mà bản thân tôi rất yêu thích, đó là “Cảnh khuya”:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(1947)
Và bài “Nguyên tiêu”:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Xuân Thủy dịch:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Hiếm có những câu thơ tả cảnh đẹp thiên nhiên nào hay hơn hai câu đầu của hai bài thơ vừa trích. Đó không chỉ là cảnh đẹp đơn thuần, riêng lẽ mà là vẻ đẹp được tạo ra từ sự hòa quyện của nhiều yếu tố và trên hết đó là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và tâm hồn thi sỹ Hồ Chí Minh. Hai câu sau của hai bài thơ lại là hình ảnh của một chiến sỹ cách mạng không vì ngắm cảnh mà quên đi nhiệm vụ với tổ quốc khi dân tình đang chìm đắm trong đói khổ, nô lệ, lầm than.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được triển khai sâu rộng trên cả nước và thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Từ những bài thơ Đường mà Bác để lại các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ học tập được rất nhiều về phong cách và tâm hồn Hồ Chí Minh. Đó là cuộc sống lạc quan tin tưởng, luôn hướng về ánh sáng tương lai, đó là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại và cải biến cho phù hợp với văn hóa nước nhà, đó còn là một tấm lòng vì dân, vì nước, nhân đạo, nhân văn.
Thơ hay nhiều khi không nằm ở hệ thống luật lệ phức tạp, gò bó, kỹ xão ngôn ngữ... mà cốt ở tấm lòng người làm thơ. Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đều nhìn thấy trong thơ chữ Hán của Bác một bức chân dung tự họa của Người: vừa thanh cao vừa giản dị, vừa vĩ đại vừa nhạy cảm tinh tế, vừa mang dáng dấp cổ điển của các bậc tao nhân mặc khách vừa mang dáng dấp một anh hùng dân tộc của thế kỷ XX.
“Yêu Bác lòng ta tươi sáng hơn”, thích thơ Bác nói chung và thơ Đường của Bác nói riêng chính là cơ sở để mỗi người Việt Nam có ý thức bảo lưu, giữ gìn, truyền bá, nâng cao giá trị của thơ Bác làm cho di sản văn hóa đó mãi được trường tồn đến thế hệ sau.

ThS. VÕ QUANG HUY
Nguồn: www.vanhien.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét