Thơ
Đường luật, như tên gọi của nó, ra đời ở Trung Quốc và dần hoàn thiện, trở
thành một thể thơ nổi tiếng, nhất là vào thời Nhà Đường (618 – 907) với những
nhà thơ vĩ đại như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột…
Điển
hình là thể “thất ngôn bát cú” với 8 câu, mỗi câu 7 chữ, gồm cặp câu đề (1, 2),
cặp câu thực (3, 4), cặp câu luận (5, 6), cặp câu kết (7, 8). Ấn định nghiêm ngặt
các thanh bằng, trắc theo một quy định chặt chẽ, đặc biệt là thanh của các chữ
thứ 2, 4, 6 trong mỗi câu (gọi là luật) và sự kết dính 2 câu liên tiếp (câu 2 với
3, 4 với 5, 6 với 7, 8 với 1, gọi là niêm). Bắt buộc cặp câu thực và cặp câu luận
phải là những đôi câu đối hoàn chỉnh…
Đồng
thời, có các thể thơ Đường luật phổ biến khác có thể coi như gốc từ thể thất
ngôn bát cú mà ra, như thể “tứ tuyệt” gồm 4 câu 7 chữ, như là một nửa của bài
thất ngôn bát cú (lấy 4 câu đầu hoặc 4 câu giữa, 4 câu cuối, 2 câu đầu cộng 2
câu cuối), thể “ngũ ngôn” gồm các câu 5 chữ từ câu 7 chữ bỏ đi 2 chữ đầu...
Sau
khi lan truyền sang Việt Nam, thơ Đường luật có “đất mầu mỡ” để đặc biệt phát
triển, vì chữ Hán, qua âm Hán Việt, tiếp thu thanh âm tiếng Việt có đến 6 thanh
(2 thanh bằng, 4 thanh trắc) trong khi nguyên gốc chữ Hán theo âm chuẩn Bắc
Kinh chỉ có 4 thanh (1 thanh bằng, 3 thanh trắc). Các nhà thơ Việt Nam làm thơ
luật Đường lúc đầu bằng chữ Nho, đọc theo âm Hán Việt, sau này làm bằng chữ Nôm
đọc theo âm thuần Việt và hiện nay làm bằng chữ Quốc ngữ. Âm tiếng Việt có nhiều
thanh, làm cho thơ Đường luật đọc lên uyển chuyển, giàu nhạc điệu hơn.
Có
thể nói thơ Đường luật tuy xuất phát từ Trung Quốc, nhưng đặc biệt phát triển rực
rỡ ở Việt Nam với những nhà thơ tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,v.v,…
Có người không thích thơ Đường luật, cho là ảnh hưởng của Trung Quốc, thực ra
thơ Đường luật là một di sản quý giá của ông cha ta.
Thơ
Đường luật được mọi người yêu thích gọi là “thơ bác học”, vì nội dung súc tích,
âm điệu uyển chuyển du dương, các câu đối chuẩn mực,… đòi hỏi người làm thơ sự
uyên thâm, tinh tế,… Đặc biệt thú vị, khi có một tập thể tri âm tri kỷ xướng họa
(điển hình như Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông với nhị thập bát tú và nhiều
giai thoại văn học xướng họa, đối đáp khác).
Tuy
nhiên, thể thơ Đường luật còn rất nhiều quy định rắc rối mà người làm thơ luật
Đường phải theo, bài thơ nào không đáp ứng được các quy định đó thì gọi là phạm
“lỗi”, mắc “bệnh”. Có thể kê ra đây hàng loạt “lỗi”, “bệnh” như các “lỗi” khổ độc,
điệp từ, điệp điệu, điệp thanh, điệp ý, điệp âm, mạ đề, lạc đề,… các “bệnh”
bình đầu, thượng vĩ, phong yêu, hạc tất, đại vận, tiểu vận, chính nữu, bàng nữu,…
Các “bệnh”, “lỗi” này không làm hỏng bài thơ (trừ các lỗi thất luật, thất niêm,
trất đối, lạc vận), nhưng quả là có làm giảm giá trị bài thơ và khi đọc lên kém
uyển chuyển, êm tai. Quá nhiều quy định khắt khe, bó buộc, làm cho người làm
thơ Đường luật mất hết thi hứng, khiên cưỡng gò theo, ảnh hưởng đến sáng tạo, mất
tự do chọn từ “đắt”, chọn âm đạt hiệu quả cần thiết của một bài thơ hay (ý tứ,
âm điệu, hình ảnh, lối tu từ…).
Những
năm 30 thế kỷ trước có phong trào “Thơ mới” đả phá rất kịch liệt lối thơ “cũ”
mà điển hình là thể thơ Đường luật, chính vì sự gò bó quá quắt của nó. Cuộc
“cách mạng” đó đã cho ra đời thể thơ “tự do” thật phóng khoáng, có đủ sức biều
hiện mọi trạng thái tâm hồn, ý tưởng của nhà thơ, mở ra giai đoạn phát triển rực
rỡ của thơ văn nước nhà.
Thơ
Đường luật lui vào hậu trường, nhưng rồi vẫn có nhiều người yêu mến phục hưng dần.
Gần đây, nhiều Câu lạc bộ thơ Đường luật ra đời, nhất là trong lớp người cao tuổi
và đã sáng tạo được nhiều bài thơ hay. Những bài thơ đủ loại đề tài, diễn tả đủ
các cung bậc tình cảm với ý nghĩa sâu sắc, chuẩn mực về luật, niêm, đối, vận,…
thực sự là những viên ngọc lóng lánh. Nhiều trang mạng, nhiều ấn phẩm ghi nhận
nhiều bài thơ Đường luật có giá trị, thể hiện sức sống của “dòng thơ bác học”
thật dồi dào.
PHẠM VĂN DƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét