Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Thơ Hoa Đăng – một bầu tâm sự đa chiều


Hôm ấy, tôi đang suy tư với tập bản thảo thơ Hoa Đăng đặt ở trên bàn, thì có anh bạn ào vào:
- Ui, đọc gì mà say sưa thế?
Tôi đáp:
- Có đọc thơ đâu, mà đang nghiên cứu tâm thế của một thiếu phụ… Vâng, một thiếu phụ xinh đẹp đã kết hôn, nhưng lại đang sống một cuộc sống của một người sương phụ với 2 cậu con trai tuấn tú, ngoan ngoãn, chu chí học hành; còn mình thì ung dung kinh doanh, tu thiền, học Anh văn và làm thơ…


Tập bản thảo này có gần 90 bài thơ, mà có tới 31 bài có nội dung thơ thiền, thơ kệ; phần còn lại là những bài viết theo cảm xúc tình đời…
Tôi thành thật xin lỗi Hoa Đăng. Tôi đã hé lộ đôi chút về đời riêng của chị. Tôi nghĩ, nếu không như vậy, thì tôi rất khó làm cho bạn đọc hiểu được thơ chị, thơ của một người phụ nữ tuổi mới có 40, mà sao chỉ thấy “an nhiên tự tại”, “vui với gió trăng”, “kinh cầu tâm nguyện”,
Bài Biết, chị nêu ra quy luật bất biến “hoa nở, hoa tàn lut chẳng qua”, cũng như “Bình minh ngả bóng điểm chiều tà”; nó có khác chi, đời người con gái, khi “Mặn nồng hương sắc…” khi “Bạc bẽo tình đời…”. Rồi người thiếu phụ 40 xuân này vẫn đúc rút ra một câu kết định mệnh “Cổ kim trời định nhân nào thắng”, và chị cho rằng, cái vô ngã mới là nguyên ủy của cái tâm thiện “Thiện tính lu mờ bởi chữ ta”. Cái ta, một khi nó lớn quá thì ta sẽ thành u mê, tăm tối, sa vào hỏa ngục có ngày…
Thật là một chân ngôn.
Bài “Hương đêm” cũng là một bài có mầu sắc thoát trần như thế.
Hai câu mở đề:
U tịch giữa màn đêm
Sương rơi đọng lá mềm”.
Đã đưa ta vào cõi thanh u, huyền diệu, một cõi thiền…
Đến hai câu thực của bài thơ:
Ánh trăng in đáy nước
Hương quế quyện sân thềm”.
Cái không gian tĩnh lặng nay dễ đưa tâm trí ta vào thiền định tuyêt đối.
Hai câu thực đề đã mở rộng ra cho 2 câu mở đề theo hướng tĩnh hóa cõi hư vô ngay thời khắc ta đang luân lạc trong miền cát bụi.
Tiếp đến hai câu luận:
Pha tách trà thanh tịnh
Thoảng cơn gió dịu êm”.
Đọc thơ mà ta tưởng như thấy tác giả thần thái ung dung, nhàn nhã và ngay đến gió cũng như cảm theo người… thật là tiên cảnh ở chốn trần ai.
Mạch thơ cứ nhẹ nhàng cùng với văn phong vịnh cảnh, nhưng “thi mạch kỵ lộ”; mạch thơ được dấu kín ý tình. Đến hai câu kết ta mới thấy rõ ý tác giả:
Cả khung trời tĩnh mịch
Đuốc huệ bỗng ngời thêm.
Thì ra, cứ vào đêm muộn, khi mà “sương rơi đọng lá mềm”, khi không gian trong như lọc, ta uống ngụm trà, ta ngồi kiết bàn, ta từ từ thả lỏng cơ bắp, thả lỏng thần trí, ta thiền định…và vào lúc ấy, ngọn đuốc hiểu biết sẽ sáng ngời lên; cả phần “sắc”, cả phần “không” của con người ta như bay lên, nhẹ nhàng hơn.
Vậy đó là chân thiền.
Vậy đó là ta đã biết cách sống cho đạo, cho đời , cho ta và cho gia đình nhỏ bé của ta…
Khi đọc phần thơ trên, ta cứ nghĩ Hoa Đăng là người thoát tục, nhưng không hẳn là thế. Khi đọc những bài khác, thì ta mới thấy lòng trần của người thơ đâu có dứt.
Ở bài “Bãi Tầm Dương”, Hoa Đăng cũng biết thả lòng theo ngoại cảnh:
“Hàng dừa ngả bóng lay hồn cát
Ngọn sóng thay hình động sắc mây”.
Chỉ cần nghe đến từ “lay”, từ “động” và nghe câu kết bài thơ thôi: “Phố đêm nhộn nhịp đèn hoa lệ/ Nữ tú nam thanh sánh bước đầy”, là ta đã hiểu nội tâm và ngoại cảnh của người thơ…
Thơ vịnh cảnh của Hoa Đăng có những bài đọc lên ta cũng cảm nhận thấy điều đó, Bài “Vũng Tàu biển hát”, xin đọc phần thượng giải:
Cát vàng trải phẳng bãi thùy dương
Nắng chiếu lung linh giỡn sóng trường.
Gió thổi vấn vương hòa biền hát
Mây chồm tha thiết gọi người thương”
Những động từ, những tính từ trong thơ vịnh cảnh đã lay thức nội tâm ta lắm lắm.
Đến bài “Khúc tiêu dao” cũng vậy, xin đọc phần hạ giải:
Cá lặn chim sa quên lối mộng
Cung cao giọng thấp gợi tình thâm.
Nghê thường chẳng dám so mình sánh
Hợp nhất tâm tiêu tựa sóng ngầm…
Chỉ cần nghe đến hai chữ “sóng ngầm” thôi, ta đã cảm thấu khúc tiêu của người thơ.
Bài “Sóng tình”, tôi thấy hơi lạ. Đọc hai câu mở, ta mới thấy thơ phô bầy cảnh sắc Đà Lạt:
Rừng hoa khoe sắc đón bình minh
Đà Lạt thiên nhiên cảnh hữu tình”.
Đến hai câu thực, ta bắt đầu thấy một chút sóng trong lòng người thơ từ những động từ mờ khói, động vườn:
Lất phất sương bay mờ khói ảo
Dập dờn bướm lượn động vườn xinh”.
Sang hai câu luận, ta thử xem cái sóng tình nó dâng cao đến bao nhiêu:
Đồi thông gió cuốn hồn say mộng
Thủy tạ trăng soi bóng gợi hình”.
Những động từ say, gợi đã làm  cho lời thơ như cựa quậy lên, như phát sóng lên…
Mạch thơ vẫn thầm kín thăng hoa ở 2 câu kết:
Tĩnh lặng màn đêm choàng đáy nước
Mặt hồ ôm trọn ánh sao đêm”.
Tôi rất thích cái động từ choàng, Tĩnh lặng màn đêm (ôm) choàng đáy nước và, ôm trọn, mặt hồ ôm trọn ánh sao đêm Ôi, cái đam mê này nó mới tham lam đáng yêu làm sao!
Đọc chậm, đọc từng chữ của bài thơ, ta mới hiểu được cái sóng tình ở đây nó khác cái sóng biển ở chỗ nào; nó chỉ gợn lên từng đợt ở trong lòng, chứ nó không ào ạt. Mạch thơ kín đáo, ý thơ nhẹ nhàng. Đọc đến câu kết rồi ta mới ngộ ra chữ sóng tình.
Vậy ấy mới là Hoa Đăng... Thơ Hoa Đăng.
Trên đây tôi nói thơ Hoa Đăng là một bầu tâm sự đa chiều. Vâng, thơ của Hoa Đăng dĩ nhiên là tâm sự của Hoa Đăng. Nhưng ở đây, tâm sự ấy nó lại là tâm sự đa chiều.
Ta hãy khảo sát một bài thơ nữa để biết rõ hơn điều vừa nói. Bài Đếm”, phần thượng giải, lời thơ rất trần ai:
Đếm nhớ đếm mong bước dặm trường
Đếm làn sóng vỗ dậy niềm thương.
Đếm muôn giọt nắng xuyên cành lá
Đếm vạn cơn sầu gửi gió sương”.
Rõ ràng chỉ có người đời thì mới có 7 cái tình đời ai, bi, ái, ố, hỷ, nộ, dục đến như vậy.
Nhưng đến phần hạ giải, thì lời thơ thoát tục hoàn toàn:
Đếm tiếng chuông ngân, ngân mỗi khắc
Đếm lời kinh vọng, vọng từng chương.
Đếm tràng chuỗi hạt tâm thanh tịnh
Đếm ánh hào quang cõi Phật đường”.
Ta có thể đoán biết, Hoa Đăng đã tu tại gia. Sự co, kéo giữa cõi tục và cõi tu là hiển nhiên thôi.
Viết đến đây, tôi bỗng không muốn mình chỉ là người biết “nịnh thơ”. Tôi vẫn đủ tỉnh táo để nói thơ Hoa Đăng trong tập này dùng nhiều từ Hán Việt và nhiều thuật ngữ của nhà chùa. Cái nhược điểm này chính là cái hạn chế của thơ Hoa Đăng. Nếu tránh được những nhược điểm đó và phát huy hơn nữa cái bản thể sẵn có là, cái tinh tế trong quan sát sự vật khách quan, cái nhẹ nhàng trong cảm xúc thế tình, thì thơ Hoa Đăng sẽ đẹp như cái tên của người thơ.
Chúc Hoa Đăng luôn trau luyện ý chí, vừa làm tròn thiên sứ của bà mẹ, vừa thực hiện đươc nguyện vọng sâu xa của mình…

NGUYỄN VĂN THỤ
(Phó Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét