Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Bài thơ “Đèo Ba Dội” của Hồ Xuân Hương – một sự phá cách tuyệt vời


Một số người hiện nay quá quan trọng hóa đến các “lỗi”, “bệnh” trong thơ Đường luật, nhưng chính những nhà thơ Đường điển hình nhất như Lý Bạch, Đỗ Phủ,… hoặc các nhà thơ lớn của Việt Nam trước đây như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v… lại sẵn sàng “phá cách” để tạo ra bài thơ có giá trị cao hơn. Các bài thơ của họ mang đầy đủ nét đẹp đặc trưng của thơ Đường luật, có giá trị cao cả nội dung và nghệ thuật, nhưng không quá câu nệ vào một số các quy định quá chi tiết, miễn sao đạt được tối đa cái nhà thơ muốn thể hiện.


Ở đây xin nói về bài thơĐèo Ba Dộicủa Hồ Xuân Hương:

Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét, tùm hum nóc
Hòn đã xanh rì, lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông, cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu, giọt sương gieo.
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Cứ theo cách bắt “lỗi”, “bệnh” ta đang áp dụng hiện nay thì bài thơ này “vi phạm” rất nhiều. Riêng câu 1 đã phạm đến 7 “lỗi”, “bệnh”. Cụ thể:
1. Thất luật (từ thứ 2 phải thanh trắc)
2. Thất niêm với câu 8 (từ thứ 2 phải thanh trắc)
3. Điệp từ (3 từ “một”, 3 từ “đèo”)
4. Phong yêu (từ thứ 2 và thứ 7 cùng dấu thanh)
5. Tiểu vận (từ thứ 2 và thứ 7 cùng cùng vần)
6. Đại vận (từ thứ 4 và thứ 7 cùng vần)
7. Hạc tất (từ thứ 4 và thứ 7 cùng dấu thanh)
Câu 2 cũng mắc bệnh Phong yêu (từ thứ 2 và thứ 7 cùng dấu thanh)
Câu 1 chỉ có 7 từ mà đến 7 lỗi, bệnh! Nhưng không một ai nghi ngờ đây là một câu phá đề cực kỳ có giá trị! Vừa đọc lên đã thấy trùng trùng điệp điệp và rất hợp với ý toàn bài, nhất là câu kết 7 + 8 (khó khăn vất vả, trập trùng hiểm trở như thế mà hiền nhân quân tử cứ thích trèo). Lặp đi lặp lại còn một ý rất hay như thể là đếm, nhiều đèo dốc quá, khó khăn vất vả quá, rất hợp với câu 7 “mỏi gối chồn chân…”.
Đặc biệt, xét các ẩn ý trong toàn bài, nhất là 2 cặp Thực, Luận thì câu 1 còn một dụng ý rất sâu xa, cố tình phạm vào chuyện “tày đình” là thất niêm, thất luật để nói tránh đi cái từ thứ 2 ấy là từ phải mang dấu sắc mới đúng niêm, luật! Thực ra, chỉ cần riêng 1 từ thứ 2 của câu 1 này đổi sang thanh trắc thì bài trở nên hòan toàn chuẩn luật trắc, vần bằng. Nhưng cố tình để sai thanh từ này lại làm cho bài thơ đạt hiệu quả cao hơn. Nhịp điệu câu 1 cũng giúp người ta liên tưởng tới cái ẩn ý ấy. Việc dùng nhiều âm “eo” cũng là dụng ý tác giả muốn làm nổi bật chủ đề.
Khen thơ Hồ Xuân Hương quả là phạm thượng, “khen voi to”, nhưng đúng là hay thì chẳng lẽ nói khác đi. Hai cặp Thực, Luận, ý tứ sâu xa, hình ảnh độc đáo, từ ngữ thật đắt (một từ “đầm đìa” đã đủ ý bài thơ muốn nói gì)…, nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là 2 vế đối cực kỳ chuẩn, đúng đặc trưng thơ Đường luật. Các câu khác cũng rất nghiêm niêm, luật… Như vậy là Hồ Xuân Hương rất tôn trọng các yếu tố cơ bản làm nên vẻ đẹp của thể thơ luật Đường, chỉ cố tình phá cách câu đề nhằm nổi bật thông điệp muốn đưa vào bài thơ.
Nhân nói về bài thơ nổi tiếng này, tôi cũng xin họa nguyên vận để tưởng nhớ nữ sĩ.

Đèo Ba Dội thời nay
(Họa thơ Hồ Xuân Hương)

Đường xuyên đã mở chốn lưng đèo
Để được chui vào ắt phải leo.
Vách núi hai bên phơi trắng đá
Cửa hầm chính giữa phủ đen rêu.
Thi nhân háo hức, vần thơ nảy
Nghệ sĩ thèm thuồng, nốt nhạc gieo.
Ba Dội lừng danh bao thế kỷ
Làm trai ai cũng ước mơ trèo.

PHẠM VĂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét