Tôi
được biết, người sáng tác thơ Đường Luật, khi bắt gặp một cảnh huống thơ, bao
nhiêu ý tứ cứ trào ra, vội phô diễn nó lên giấy mực. Chưa xong, người sáng tác
thơ còn phải cô đúc, dồn nén, sao cho số câu, số chữ phải đúng theo luật; số chữ
trong bài có thanh trắc phải xấp xỉ số thanh bằng. Nếu ta gọi chữ có thanh bằng
là số (+), chữ có thanh trắc là số (–), thì luật âm dương này thăng giáng bù trừ
sát sao đến từng liên thơ, đến cả bài thơ. Đó chính là điều hé mở khái niệm về
sự cân bằng, có ý nghĩa triết học cổ phương Đông, nằm trong hình thức thơ Đường
Luật.
Ý
nghĩa triết học nêu trên còn thể hiện rõ ở phép đối ngẫu. Trong một liên thơ
(hai câu) được gọi là có đối, thì câu trên như tung, câu dưới như hứng, nó
nương vào nhau làm cho ý thơ thêm mạch lạc. Vậy hèn chi, người ngàn xưa đã chả
đưa đối ngẫu vào thể thơ này như một điều bắt buộc.