Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Cô giáo ngày xưa...

(Nhất vận; Điệp từ)

 

Cô Quỳnh chủ nhiệm giảng môn Văn

Cô hiểu thương trò khó học Văn...

Đầu tiết Cô vào xem sách vở

Cuối giờ Cô bảo nhớ trang Văn.

Cô thường nhắc nhở... ngày xa lớp...

Cô mãi cưng chiều... buổi xướng Văn.

Trường Cẩm Khê mình, Cô dã dạy

Lớp nào Cô cũng... nhủ yêu Văn.

Chùm xướng họa: TRỒNG CÂY – ĐƯA ĐÒ

  

Bài xướng:

Trồng cây

Kính tặng Bầm em – người thầy đầu tiên.

 

Nửa đời phấn bụi bám đầy tay

Người vẫn bảo rằng quý nhất đây!

Gác tạm mái chèo sông vãn khách

Đẫy vườn xanh thắm bởi trồng cây.

Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

 

Vườn xuân

 

Lớp cũ trường xưa chẳng nhạt nhòa

Thầy cô bạn hữu mãi bên ta...

Vườn xuân rực rỡ niềm mơ ước

Kiến thức gieo trồng khát vọng xa.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Xướng họa: THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA

  

Bài xướng:

Thăm lại trường xưa

 

Trường xưa thăm lại nhớ bao ngày

Bè bạn quây quần siết chặt tay.

Bình luận văn chương tìm ý đẹp

Trau dồi đạo đức giữ lòng ngay.

Thầy cô đã dạy từ khi ấy

Tấc dạ còn ghi mãi tới nay.

Hồi tưởng trong nhau thời cắp sách

Tâm hồn phơi phới cánh thơ bay.

Người thầy

Kính tặng các thầy cô giáo nhân ngày 20-11. 

 

Lặng lẽ khua chèo những sớm trưa

Sông đời mấy bận chuyến đò đưa...

Đâu nề hạ tiết vàng tia nắng

Chẳng quản đông trời trắng giọt mưa.

Mộng ước cây mầm xanh lối mới

Mong cầu hạt giống tốt vườn xưa!

Kiếp sau cắc cớ làm người lại…

Vẫn chọn y nghề... dạ kính thưa!

Truyền thống muôn đời

Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. 

 

Không Thầy dạy dỗ đố làm nên

Trọng Đạo tôn Sư phải giữ nền.

Trí đủ can trường ngừa mũi đạn

Tài thừa mẫn tuệ né làn tên.

Đem tình dưỡng thế tình sâu vững

Lấy nghĩa bồi nhân nghĩa rộng bền.

Truyền thống muôn đời lưu chuyển mãi

Không Thầy dạy dỗ đố làm nên…!

Đời nhà giáo

 

Vào ngành giáo dục tuổi hai mươi

Vinh dự hân hoan đẹp cuộc đời.

Xả hết khả năng cho cấy đức

Trau dồi kiến thức để trồng người.

Yêu nghề mến trẻ bền tâm sáng

Giữ đức thương trò vững trí ngời.

Gửi gắm lòng trung vì sự nghiệp

Đến Ngày Nhà giáo nhớ không ngơi.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Chùm xướng họa: HAI LÚA TỰ TRÀO


Bài xướng:

Tự trào

 

Có chàng Hai Lúa rất ham danh

Nghiên bút từ lâu cũng tập tành.

Xướng họa xun xoe hàng tuấn kiệt

Giao lưu sí sớn bậc hùng anh.

Thơ dai tựa chão kêu rằng ngọt

Phú nhão như dưa tưởng đã sành.

Quá nửa đời mà chưa tỉnh mộng

Ngỡ mình đã lọt mắt ai xanh.

Canh thâu

 

Ngọn sóng lay triền đá

Hạt mưa ướt ngọn cau.

Lòng sầu sao vướng nặng

Nỗi nhớ bỗng về mau.

Xua bóng đêm cô quạnh

Mở trang vở úa nhàu.

Lá vàng rồi sẽ rụng

Chồi mới lại tươi màu.

Nghề cao quý

Kính tặng các nhà giáo nhân ngày 20-11.

 

Đạo lý cổ kim trọng chữ Thầy

Một nghề cao quý nhất xưa nay.

Lái đò chở khách qua sông rộng

Chống mảng đưa con vượt quãng lầy.

Rèn đức, giúp trò nuôi chí cả

Nhủ lòng, hướng nghiệp tạo niềm say...

Cánh cò lướt nhẹ... qua bài giảng

Bỗng thấy yêu thương Tổ quốc này!

Mưa đầu đông

 

Thu vàng muộn trải khắp triền sông

Lất phất mưa rơi cải vội ngồng.

Rạo rực bước chân chiều sắc sắc

Bồi hồi thả gót hướng không không.

Đò xưa ngày ấy neo thiền cảnh

Người đó giờ đây bận tu phòng.

Cảnh cũ hồn chao vừa tái hiện

Vui buồn, lữ khách một chiều đông.

Trồng người

Kính tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. 

 

Tấm gương sáng mãi tặng trao đời

Đưa khách vững chèo vượt biển khơi.

Tuấn kiệt anh hào ươm cội thắm

Doanh nhân bác học ủ danh ngời.

Mẹ hiền nhân hậu truyền muôn nẻo

Cô giỏi tâm lành vọng khắp nơi.

Lời Bác toàn dân lòng khắc trọn

Trăm năm lợi ích hãy trồng người”.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Dặn con

 

Bùn lầy chắt lọc những bông sen

Tỏa ngát hương thơm thoáng nụ chèn.

Mưa nắng dãi dầu ta chẳng thẹn

Đêm ngày tỉnh thức bậu nào khen.

Lung linh cành thắm ơng tình hẹn

Thấp thoáng hồn tươi hạt nghĩa bèn...

Phẩm hạnh cao đầy tu lấy kén

Cốt hồn dân tộc lửa còn nhen.

Tri ân…

 

Hàng năm ngày Lễ Hiến Chương này

Cả nước bây giờ lắm đổi thay.

Giáo sĩ mơ màng say bón cội

Thầy cô mộng ước để trồng cây.

Công ơn dạy bảo cùng hôm sớm

Nhân nghĩa khắc ghi đượm tháng ngày

Lớp trẻ lên đường xây Tổ quốc

Trời Nam đất Việt rạng từ đây...

Người thầy giáo

 

Bút nghiên trí tuệ đến muôn đời

Hình ảnh người Thầy tỏa khắp nơi.

Kiến thức mở mang nhờ giáo dục

Tài năng phát triển bởi vun bồi.

Dắt tay lớp trẻ qua sông nước

Chắp cánh chim non vượt biển khơi.

Dòng xoáy bon chen tâm chẳng bận

Luôn mang ánh sáng đến cho người.

Chùm xướng họa: TIẾNG THẦY

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

 

Bài xướng:

Tiếng Thầy

 

Vẫn thấy trong nguyên một tiếng Thầy

Bên trò bên bạn nói gì đây.

Kia nhành phượng đỏ khoe màu nắng

Đây bóng sân trường rợp sắc mây.

Bước tới vườn xanh hoa nở rộ

Tìm vào bục giảng phấn rơi đầy.

Bâng khuâng giáo án còn nguyên nếp

Ríu rít nghe như tiếng gọi bầy.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Chùm xướng họa: LÀM CUA


Bài xướng:

Làm cua

 

Vật ngửa đè ra tóm cặp càng

Đừng hòng ngọ ngoạy hết vênh vang.

Sờ sờ, cọ cọ trong khe kẽ

Móc móc, kỳ kỳ tận hốc hang.

Lột yếm bụng phơi da trắng nõn

Bóc mai lưng hở gạch ươm vàng.

Cối chầy rạo rực đâm thùm thụp

Tan nát đời em quá phũ phàng.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Người lính

Kỷ niệm 55 năm ngày nhập ngũ (15-11-1965 – 15-11-2020)

 

Giặc đến, bút nghiên để lại trường

Bao nhiêu hoài bão gửi quê hương.

Nặng tình đất nước, ra tiền tuyến

Sâu nghĩa gia đình, biệt hậu phương.

Muốn giữ hòa bình nên chiến đấu

Phải ngăn tội ác để yêu thương.

Giặc tan, lại trở về xây dựng

Người lính cả đời sáng tấm gương.

Chùm xướng họa: NGÁO…


Bài xướng:

Ngáo...

 

Làm thơ phải tội lắm khi phiền

Dở dở, hài hài giống kẻ điên.

Hứng nổi không ăn hùng hục viết

Không vui nhịn đói ngẩn ngơ điền.

Chân trời mấy bữa đòi treo ngược

Mặt đất dăm lần muốn đẩy xiên.

Ngõ uyển, cung Hằng trong bát rượu

Tâm hồn vất vưởng... chốn thần tiên.

Xướng họa: DUYÊN HẠNH

 

Bài xướng:

Duyên Hạnh

 

Mây gió thổi về t bốn phương

Kệ kinh tĩnh tọa cõi vô thường.

Kiếp người sinh tử ngàn câu Hận

Cuộc sống luân hồi vạn chữ Thương.

Tỉnh thức cân bằng quên ngã mạn

Sân si chìm nổi nhớ con đường...

Tu Thiền gặp Phước là Duyên Hạnh

Cửa Phật ta ngồi quyện khói hương.