Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Dạy đệ tử

Nhân ngày giỗ thứ 1.000 của Thiền sư (Rằm tháng Năm năm Mậu Ngọ 1018 – Rằm tháng Năm năm Mậu Tuất 2018), xin thắp nén nhang tưởng nhớ Người.




 
 
 


Phiên âm:
THỊ ĐỆ TỬ

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.



Dịch nghĩa:
Trên cõi đời không có cái gì là vĩnh viễn. Thân của người đời, cũng như cái bóng chớp, có rồi lại biến thành không, các thứ cây cối, mùa xuân tươi, thu lại khô. Vận của cõi đời dù có lúc thịnh, lúc suy, nhưng cũng đừng sợ, sự thịnh suy đó chỉ là những việc tạm thời, cũng như giọt sương đọng trên ngọn cỏ vậy.

Người đời như bóng chớp, có rồi lại không,
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.
Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi,
Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ.



Dịch thơ:
DẠY ĐỆ TỬ
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương Đông.

NGÔ TẤT TỐ


BẢO ĐỒ ĐỆ
(Bản dịch của Phạm Văn Dương)

Đời là tia chớp giữa không gian
Cây tốt mùa xuân, thu héo tàn.
Vận thịnh hay suy đừng sợ hãi
Cũng như ngọn cỏ giọt sương tan.

PHẠM VĂN DƯƠNG


BẢO ĐỒ ĐỆ
(Bản dịch của Nguyễn Đức Hưng)

Hình ảnh đời người có lại không
Mùa Xuân tươi tốt, héo gần Đông
Thịnh suy để mặc không run sợ
Như giọt sương tan lúc nắng hồng 

NGUYỄN ĐỨC HƯNG


DẠY ĐỒ ĐỆ
(Bản dịch của Phạm Xuân Khu)

Đời như nháy mắt có mà không
Xuân hết rồi ra lại tới đông
Suy thịnh mặc nhiên đừng vướng bận
Sự đời như khói sóng trên sông.

PHẠM XUÂN KHU


       Thiền sư Vạn Hạnh (萬行 , ? – 1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi. Vạn Hạnh là pháp danh (tên hiệu đặt khi xuất gia, còn tên tục là Lý Khánh Vạn (người đời suy tôn là Thánh Vạn).
       Thiền sư Vạn Hạnh sinh trưởng trong cự tộc Lý – một gia đình thuộc diện “Danh Gia Vọng Tộc” nhiều đời thờ Phật. Thuở nhỏ, Vạn Hạnh đã thể hiện là một tràng trai kẻ báng khác thường, học hành thông minh tiến tới, gồm thông ba học (giới – định – tuệ), nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia (vào khoảng năm Quý Sửu – 953, đời Hán Ân Đế, thời Đinh Bộ Lĩnh).
       Ông học thông tam giáo (Nho – Phật – Đạo), tu hành tại chùa Tiêu Sơn (tên chữ là Thiên Tâm), có công nuôi dạy Lý Công Uẩn từ nhỏ sau trở thành người văn võ toàn tài. Ông có công giúp vua Lê Đại Hành chống ngoại xâm, dựng xây đất nước, sau lại phò Lý Công Uẩn lên ngôi nên rất được kính trọng. Hiên nay ở chùa Tiêu Sơn, gian chính điện có tượng thờ Thiền sư rất linh thiêng. Trên đỉnh núi Tiêu Sơn có bức tượng ông ngồi trên lưng hổ.
       Theo sách Thiền uyển tập anh (1337), ông còn để lại một số bài thơ, trong đó đặc biệt có bài Thị đệ tử (nhan đề do người đời sau đặt). Sách Thiền uyển tập anh chép rõ: “Ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), sư không bệnh, gọi tăng chúng đến đọc bài kệ” nói trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét