Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

Phạm Văn Dương với những vần thơ Đường luật

Tập thơ Đường luật của Phạm Văn Dương mới được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt đã được nhiều bạn thơ quan tâm đọc và bình. Dưới đây xin giới thiệu bài bình của nhà thơ Phạm Thành Trai, sinh sống ở Quy Nhơn tỉnh Bình Định.


Khi đọc xong tập thơ Đường luật của Phạm Văn Dương, người con của quê hương quan họ Bắc Ninh, một cựu chiến binh mang quân hàm đại tá, một thầy giáo dạy toán ở tuổi đời vượt xa độ tuổi “xưa nay hiếm” thì trong lòng tôi bỗng trào lên những cảm phục. Và, ở đây xin chưa nói đến tình cảm của một hội viên đối với vị Phó Chủ tịch HĐTQ Họ Phạn Việt Nam, Chủ nhiệm của Câu lạc bộ thơ Đường luật Phạm Đạo Phú, mà chỉ xin khu trú lại ở những cảm nghĩ về những vần thơ Đường luật của ông, về tập thơ được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép vừa ra đời vào đầu năm nay, 2018.
Vì với trên 170 bài thơ, gồm cả sáng tác lẫn dịch thuật, những bài thơ Đường luật bằng chữ Hán của các tiên thi, thánh thi, thi hào ngày trước, thì Phạm Văn Dương đã phải viết trên 1.500 câu thơ Đường luật. Cần nói kỹ chút nữa là trên 10.000 từ thơ, mà trên bình diện của thể loại “thơ bác học” này thì mỗi từ thơ là một hạt ngọc. Và, tất nhiên nó có phải là “châu ngọc” hay không thì phải được sự ghi nhận độc giả và sự sàng lọc của thời gian.
Với tôi, thì anh “Bộ đội Cụ Hồ” Phạm Văn Dương này đã hơn 10 năm trời dày dạn trong lửa đạn chiến tranh, còn bao nhiêu năm đứng trên bục giảng dạy môn Toán và học rành rọt Hán văn thì tôi không biết được chính xác. Nhưng nói ở góc độ “ghi nhận” sự tài hoa và “cảm nhận” cái hồn thơ tài tình bay bổng và cũng rất hàm súc ý nghĩa của những vần thơ Đường luật ông viết, thì chúng ta cần đọc những cặp đối sau đây để mà nhận biết:
Như ở Chùm I: Giãi bày.
Với chùm thơ đầu sách này đã có ngay những câu thơ hay, cách dùng từ độc đáo:
“Gió thổi gợi tình gây cảm hứng
Trăng vào thúc giục nẩy vần thơ”
(Đêm khuya)
Với “cặp thực” của bài “Đêm khuya” này, Phạm Văn Dương đã tiếp cận đến hồn thơ độc đáo của nhà thơ Hồ Chí Minh:
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”
(Báo tiệp – Hồ Chí Minh)
Nhưng sự tài hoa của ông lại chính ở chỗ biết nén chặt cái trí tuệ mẫn tiệp, khiêm tốn, không tự cho mình là một nhà thơ bằng từ “nẩy” rất gợi cảm. Vì trăng biết Bác Hồ là thi sĩ nên mới tìm vào nhà mà “đòi” thơ. Còn với Chủ nhiệm CLB Thơ của chúng ta thì bảo rằng: Nhờ có ánh trăng chiếu vào lòng mà làm “nẩy” vần thơ ra vậy. Thật ra chúng ta đã biết rõ rằng có “nẩy” ra thơ được chính là nhờ ở tấm lòng con người biết cảm thông rung động trước những nỗi đau và niềm thương của đồng loại.
Lâu nay, tôi cũng đã đọc được khá nhiều câu thơ hay, nhưng chưa từng gặp được từ “nẩy” rất gợi cảm và đầy chất thơ ca dân gian chiếm một vị trí đắc địa trong những bài thơ Đường luật rất khuôn khổ từ niêm luật đến sự đối đáp chữ nghĩa rất khắt khe như thế. 
Xin giới thiệu tiếp một “cặp luận” trong bài thơ “Mưa Huế” ở chùm thơ Bốn mùa, tác giả Phạm Văn Dương đã viết:
“Thành tri trầm mặc lời thơ nghẹn
Trời đất tuôn trào giọt lệ rơi”
Vâng “nghẹn”. Một từ ngữ dân gian nữa được dùng thấu tình trong câu thơ để cho chúng ta nhận biết cái tào hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ Việt của nhà thơ Phạm Văn Dương. 
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã đọc và nhớ hoài câu thơ lục bát đầy cảm thán của Tố Hữu, một nhà thơ được mênh danh “nhà thơ lãng mạng chính trị”.
Một câu thơ cũng nói về cảnh mưa ở Huế như sau:
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa sối xả trắng trời Trị Thiên” 
(Nước non ngàn dặm)
Đọc hai câu thơ của hai tác giả nói trên thì trong chúng ta không ai dám đem so sánh cái tầm cỡ giữa Tố Hữu, một nhà thơ lớn của Cách mạng với người thầy giáo dạy Toán và biết làm thơ Đường chưa được bao lâu Phạm Văn Dương. Vì không khéo lại rơi đúng lời cảnh báo của Lê nin: So sánh thường không tránh khỏi sự khập khiễng.
Nhưng ở góc độ thẩm mỹ, cảm nhận văn học, thì chúng ta có thể bảo rằng hai câu thơ “cặp luận” của Phạm Văn Dương trong bài “Mưa Huế” rất có hồn. Nó đã diễn tả đạt độ sâu lắng và đầy xúc cảm cái thảm cảnh mưa dai dẳng, mưa mù trời, nhão đất đai của xứ Thần kinh. 
Và, xin giới thiệu cặp luận nữa trong bài Người đi trong chùm Thơ tình:
“Ngó lìa còn níu làn tơ trắng
Áo dứt vẫn vương sợi chỉ hồng”
Hai câu thơ trên thật tài tình mang đậm đà, hồn cốt thơ Việt. Chỉ với từ “níu” mà nhà thơ – cựu chiến binh Phạm Văn Dương của chúng ta đã tiếp cận được với câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du :
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng 
Dẫu lìa ngó ý còn vương lòng”
(Truyện Kiều)
Chỉ với vài ba đơn cử các cặp đối trong số 172 bài thơ Đường luật đã nêu trên, thì chúng ta cũng rất dễ nhất trí với nhau rằng Phạm Văn Dương đã bước được vào ngôi đền thiên văn học mặc dù ông chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đọc 172 bài thơ ông viết đạt độ chuẩn cả về niêm luật lẫn đối ngẫu, thi pháp và phong phú về ngữ nghĩa, tôi bỗng nhớ đến câu nói của Chế Lan Viên, một nhà thơ được mệnh danh là nhà thơ trí tuệ: “Trái đất rộng thêm một phần vì bởi các trang thơ, vì diện tích tâm hồn các thi sĩ”
Như vậy rõ ràng, tuy không nhiều nhưng với gần 300 trang thơ Đường luật mang đầy hồn cốt Việt của Phạm Văn Dương đã làm cho không gian nước Việt ta cao rộng thêm ra một chút thì phải!
Và, điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là cái tứ thơ, cái ý nghĩa nhân văn cao cả và sự tác dụng giáo dục nhẹ nhàng sâu sắc mà những vần thơ Đường luật toàn bích của ông đã đem lại cho bạn đọc. Điều quang vinh này của các thi nhân đã được Guillaume Apollinaire, một thi hào Pháp, nói từ lâu: “Thi nhân và họa sĩ quy định bộ mặt của thời đại mình và tương lai sẽ tự nhẹ nhàng điều khiển bằng những khuyên của họ”.
Có thể nói, ngọn bút tài hoa của cựu chiến binh Phạm Văn Dương lại tiếp tục chiến đấu trong hòa bình dựng xây để giữ nước, như Bác Hồ đã dạy cho bộ đội từ năm xưa. Tôi cũng không thể “kê” ra hết 344 cặp đối tài tình, súc tích ý nghĩa cho bạn đọc xem mà chỉ xin trích một số cặp đối tiêu biểu của các bài thơ trong tập Thơ Đường luật ấy:
Như ở chùm I: Giãi bày. Trong chùm này có cặp luận như sau:
“Biết buông xả, tâm hồn sảng khoái
Tránh cầu xin, phẩm cách cao sang”
(Về hưu)
“Trí vẫn nghĩ suy vì vận nước
Tâm còn lo lắng bởi đời dân”
(Tuổi 70)
“Họa đến mới hay tình cảm sống
Bệnh qua tỏ rõ nghĩa ân đời”
(Cảm ơn)
Như chùm IV: Vịnh cảnh. Trong chùm này có cặp đối như sau:
“Chắc chàng ra trận coi thường chết
Bởi thiếp ở nhà biết nhớ mong”
(Hòn vọng phu 1)
“Vì dân gặp nạn ra tay giúp
Với loài sâu mọt quyết không tha”
(Quân đội nhân dân)
Như chùm X: Việc họ. Trong chùm này có các cặp đối như sau:
“Công sức bỏ ra không cần trả
Bạc tiền đóng góp chẳng mong lời”
(Mõ họ)
“Thuở trước chia ly cay khóe mắt
Bây giờ hội ngộ ấm vòng tay”
(Ngày giỗ Tổ)
Như chùm XI: Chuyện đời. Trong chùm này có các cặp đối như sau :
“Chuyên cần phấn đấu mong tu dưỡng
Cố gắng học hành để lập thân”
(Tuổi trẻ)
“Chỉ có con đường luôn chính trực
Lòng luôn thanh thản, chẩng âu sầu”
(Lạc lối)
Như chùm XII: Nhắn anh hàng xóm. Trong chùm này có cặp đối như sau :
“Giàn khoan cắm mãi thành lay lắt
Tàu chiến ngâm lâu hóa mõm mòm”
Và câu kết:
“Vùng biển Việt Nam luôn dậy sóng
Rút mau, để tránh phải vào hòm”
(Số đem ngòm)
Và cái điều mà chúng ta tâm huyết nhất với nhà thơ Phạm Văn Dương ở tập Thơ Đường luật dày dặn gần 300 trang này chính là ở chỗ tác giả đã góp phần Việt hóa thể thơ Đường luật vốn “bác học” luôn khắc khe ở niêm luật và luôn ràng buộc phải đối nhau “chan chát” về từ vựng và ngữ nghĩa thì mới đạt yêu cầu của một bài Đường thi. Đây chính là phần nói lên sự mẫn tiệp của Chủ nhiệm CLB thơ Đường luật Phạm Đạo Phú trong việc biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại như đối với thể thơ Đường luật mà UNESSCO vinh danh là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và đồng thời cũng biết cách thuần thục và nuôi dưỡng nó thành một phần của văn hóa, thơ ca Việt Nam.
Đã viết đến câu kết rồi mà sao lòng tôi cứ vương vấn, ám ảnh những vần thơ Đường luật của Phạm Văn Dương mà tôi cứ nghĩ đó là những vần thơ lục bát của Nguyễn Du, của Tố Hữu:
“Ngó lìa còn níu làn tơ trắng
Áo dứt vẫn vương sợi chỉ hồng” 
“Thành trì trầm mặc lời thơ nghẹn
Trời đất tuôn trào giọt lệ rơi”.
Do vậy mà tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều sự cảm nhận và lời bình thâm thúy, vang vọng hơn của bạn bè đối với những vần thơ Đường Luật của nhà thơ cựu chiến binh Phạm Văn Dương.

Quy Nhơn, 01-6-2018
PHẠM THÀNH TRAI

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh Phạm Thành Trai. Cảm ơn Trang Blog Đường luật Vũng Tàu

    Trả lờiXóa