Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Chùm xướng họa: NGÀY ẤY... BÂY GIỜ...!

 

Bài xướng:

Ngày ấy... bây giờ...!

 

Thuở ấy nhìn nhau cũng đậm đà

Trong làng đẹp nhất chị mơ hoa.

Anh thừa tướng mạo trai làng chọi

Em đủ tơ duyên mái xóm gà.

Bới đất, tìm sâu nuôi lũ trẻ

Xơ lông, rũ cánh đón thân già.

Dòng đời mặn nhạt vô thường đến

Xót cái thân này... ta với ta...

TP Bà Rịa, 09-3-2021.

PHẠM LONG SƠN

 

 

Bài họa 4:

Một thời để nhớ

 

Mượt lông trổ mã cậu vươn đà

Mượn thế dân chơi lão thưởng hoa.

Cậy cửa nhà giàu săn cổ vật

Sa cơ nghèo mạt đuổi tơ gà.

Suy ra cũng hết thời trai trẻ

Thoáng chốc mà nay cận cảnh già.

Đời có tranh đua thời cũng vậy

Thực tài nào có đến phần ta...

 

Cẩm Phả, 10-3-2021.

Lãng t UY TRN

  


Bài họa 3:

Nuối đời

 

Ngày ấy gặp em nhắm thuận đà

Quay cuồng giấc mộng giữa đêm hoa.

Thương bờ vai nhỏ, hàng mi ướt

Nhớ dáng liễu thanh, tóc chỏm gà.

Nhuệ khí ngút trời bừng sức trẻ

Tình yêu ngập đất cháy tim già.

Đã qua bỉ thử ngồi ôn lại

Mới thấm tơ tằm rũ dụ ta...

Sài Gòn, 10-3-2021.

Minh Đạo DƯƠNG ĐỨC LỘC

 

 

Bài họa 2:

Ngón độc cũng cần...!

 

Hồng kê quyền thuật võ môn đà...

Thủ pháp cổ truyền nhất trượng hoa.

Thần tốc chuyển xoay lường đối thủ

Nhạy nhanh biến ảo tựa chân.

Mái tơ liệu sức thời trai trẻ

Phận yếu nhờ mưu lúc tuổi già.

Ngón độc cũng cần luôn biến ảo

Danh tài... phút hão... trở về... ta...!

Vũng Tàu, 09-3-2021.

HÀN NHUỆ CƯƠNG

  


Bài họa 1:

Sân nhà chớ cậy...!

 

Đầu xanh mượt mã khéo vươn đà

Tướng mạo nhất làng khoái ghẹo hoa.

Lúc trẻ hung hăng... bồ với bịch

Khi hưu trụi lủi... bạn cùng.

Suy đi ngẫm lại càng thêm tuổi

cánh trơ lông thoáng đã già.

Đời dẫu vô thường khôn giọng gáy

Sân nhà chớ cậy... góc vườn ta...!

Vũng Tàu, 09-3-2021.

CẨM PHÚ

* Trân trọng kính mời quý thi hữu gần xa cùng vui họa tiếp.


Lời bình của Nguyễn Đức Thụ:

 

Tôi vẫn biết anh Phạm Xuân Khu là người rất sành chọn ảnh minh họa cho thơ của anh. Nhìn tấm ảnh 2 con gà trống mái có bộ mã mượt mà và lại nhìn tấm ảnh 2 con gà trống mái trọc lông đang cùng nhau kiếm ăn, tôi bỗng chạnh lòng .

Tôi đọc câu thơ khai đề của bài thơ:

Thuở ấy nhìn nhau cũng đậm đà

Sau khi đọc xong, tôi không nghĩ hẳn là anh nói về gà; anh đang nói về người:

Vâng, “Thuở ấy…”, “nhìn nhau…” …và, “cũng đậm đà”… là những từ chỉ dành để nói về con người. Cho nên, tôi chắc hẳn câu thơ thứ nhất này là tác giả đang định nói đến một đôi nam nữ chi đây.

Nhưng không phải, tôi đã nhầm…

Đọc đến câu 2, câu thừa thế mở rộng chủ đề, tôi lại ngã ngửa ra, tác giả lại nói về một con gà mái mơ:

Trong làng đẹp nhất chị mơ hoa

Con mái mơ này, nay đã được tác giả nhân hóa thành chị mơ hoa. Đến 2 câu thực, tác giả mặc nhiên nhân hóa vịnh gà:

Anh thừa tướng mạo trai làng chọi

Em đủ tơ duyên mái xóm gà...”

Thì xưa nay, khi làm thơ, làm văn người ta vẫn thường dùng phép nhân hóa cho bài thơ, cho bài văn được sinh động mà… Tôi mải miết đọc để xem tác giả sẽ nói gì về cái đôi gà trong ảnh. Sang 2 câu luận:

Bới đất, tìm sâu nuôi lũ trẻ

Xơ lông, rũ cánh đón thân già.”

Ồ, tôi lại nhầm. Tác giả đã cài cắm thông tin cho mấy câu trên chuyên chỉ nói về gà.

Và thơ vịnh gà xem ra cũng thường thôi, nó cũng chả hơn gì xem ảnh.

Nhưng, “Bới đất, tìm sâu nuôi lũ trẻ/ Xơ lông, rũ cánh đón thân già” thì ở đây, hình như tác giả đã chuyển thơ sang mạch khác; chuyển sang nói về thân phận một con người.

Xin xem 2 câu kết:

Dòng đời mặn nhạt vô thường đến

Xót cái thân này ta với ta...”

Bài thơ với mấy câu trên thì ý thơ chỉ là tả đôi gà trống mái có pha chút trào lộng. Nhưng chỉ đến 4 câu cuối thì chất thơ nó dào dạt dâng lên làm ngợp lòng trắc ẩn, nó gieo vào tâm hồn ta bao nỗi niềm của đời người; làm ta thấm thía câu nói của cha mẹ ta: “Xưa nay là chỉ có nước mắt chảy xuôi thôi”

Ngẫm nghĩ như đôi gà đẹp mã là thế, nhưng đến khi đã có đàn con xúm xít quanh mình, thì suốt ngày xù lông, mòn mỏ kiếm ăn cho một đàn con, quên cả thân mình. Khi đàn con ấy lớn lên, nó tự phân đàn, nó tự kiếm sống, nó quên đi gà bố mẹ giờ đây xơ xác thân già. Đem cái chuyện gà áp vào cuộc đời ta nào có khác chi…Cứ nghĩ lung tung thế, lòng ta bỗng thấy nao lòng, nhưng đó là quy luât rồi, hỡi ai ôi...!

Trở lại thơ anh Phạm Xuân Khu. Thơ anh thường là như thế. Đọc mấy câu đầu, thì ta cũng tưởng như ý thơ chỉ dông dài, nhưng đến khi đọc xong mấy câu cuối bài, đọc xong câu kết bài, thì thơ anh bỗng nhiên cất cánh vút lên.

Tôi đồ đoán hậu vận đời anh cũng sẽ vút bay lên ở mấy câu cuối bài. Chúc mừng anh…

 

NGUYỄN ĐỨC THỤ

(Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét