Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Thơ Đường luật Việt Nam tập XIII ra mắt bạn đọc

Hôm 21-3-2018 nhân Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XIII tại Hải Phòng, “Thơ Đường luật Việt Nam” tập XIII chính thức ra mắt bạn đọc. Xin giới thiệu nguyên văn bài viết “MẤY SUY NGHĨ TRƯỚC XU HƯỚNG ĐÒI ĐỔI MỚI LUẬT THƠ ĐƯỜNG” của Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam thay lời tựa in trong tập thơ.


Trong giới chơi thơ luật Đường hiện nay, ở đâu đó, đã xuất hiện xu hướng đòi đổi mới luật thơ, vì cho rằng, luật gò bó đã làm chết ý thơ, làm xơ cứng hồn thơ... Xu hướng đòi đổi mới luật thơ Đường là đòi, làm thơ chỉ cần có ý, có tình, có hồn, có vần, có thất ngôn bát cú là được. Tức là phá niêm, phá luật, phá đối.  Xu hướng này viện dẫn lời giáo sư Nguyễn Khắc Phi: “Đấy, ngay như giáo sư Nguyễn Khắc Phi còn nói, thơ phá luật mới hay kia mà”.
Số bạn thơ này đã hiểu sai ý của giáo sư. Giáo sư Nguyễn Khắc Phi có lần nói: “Phải thành thạo luật mới dám phá luật. Phá luật  thì phải có dụng ý nghệ thuật; không có dụng ý nghệ thuật mà phá luật, thì lại hóa ra thơ thất luật…”
Luật thơ và những quy định về bệnh của thơ… chẳng qua chỉ để phục vụ cho thơ có nhạc, đọc lên có điệu khúc du dương. Trong tất cả những điều đó, điều nào thiết yếu nhất thì được gọi là luật; điều nào có thể châm chước được, thì gọi là bệnh.
Luật thơ, theo “Việt Nam văn phạm”, sách có tính giáo khoa (vì là văn phạm, văn phép) của học giả Trần Trọng Kim, xuất bản trước năm 1945, có nêu rõ:
Bố cục là 2 đối ngẫu là 3– bằng trắc trong cùng một câu là 4– bằng trắc giữa các câu là 5–
Đó là 5 luật cơ bản của thể thơ luật. Các nhà sáng tạo ra thơ luật, thấy như thế có phần gò bó, nên đã đưa ra phép “tam bất luận”; nhưng vì yêu cầu nhạc tính của  thơ, nên họ lại quy định thêm: tuy cho phép “tam bất luận” nhưng phải tránh bệnh  khổ độc.
Đó là nội dung chính yếu phần nói về thơ Đường luật của cuốn “Việt Nam văn phạm”. Đến đời sau, người ta mới thêm vào “bệnh thơ”. Theo sách xưa, Lạc Nam và  Quách Tấn, trong “Tìm hiểu các thể thơ” và trong “Thi pháp thơ Đường luật” đã giới thiệu nhiều tên bệnh của thơ thường dễ mắc.
Theo chúng tôi, ta hiện đang ở giai đoạn tập dượt làm thơ luật Đường, trước hết hãy ra sức làm thơ cho đúng luật; còn về bệnh thơ, tránh được thì tốt, nếu không thì người đọc sẽ có phần châm chước.
Lại nghĩ, thơ có bệnh, nó cũng giống như người có bệnh, có bệnh nặng và cũng có bệnh nhẹ. Bệnh lâu ngày thì thành tật. Ca sĩ Hồng Nhung vì cái răng khểnh nên rất có duyên. Tây Thi thời Đông Chu, vẻ đẹp càng thêm mỹ miều khi cô chau mày vì đau bụng. Nói như vậy, chúng ta cũng nên cân nhắc khi bắt bẻ nhau về tật bệnh trong thơ; cũng có khi tác giả lại có dụng ý nghệ thuật thì sao.
Nói  vậy tức là chỉ khi nào ta có dụng ý nghệ thuật, thì ta hãy chủ ý phá luật, ta hãy chủ ý “mắc bệnh”. Nhiều người làm thơ cho rằng, đã là luật thì phải gò bó; gò bó mà hồn thơ vẫn phiêu diêu, ý thơ vẫn dào dạt, tư tưởng của thơ vẫn tung tẩy… thì người thơ ấy mới có tài.
Thật là sai lầm khi nói, thể thơ Đường luật chỉ thích dụng với chủ đề châm biếm, đả kích. Ta hãy đọc thơ tiền nhân thì thấy rõ sự phản biện ý kiến bên trên.
Vâng, muốn thấy cái minh triết cao sâu do thơ luật Đường thể hiện, sao không đọc thơ thiền của thiền sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh; Muốn thấy sự hào hùng, tráng liệt do thể thơ luật Đường diễn đạt sao không đọc thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, của Lý Thường Kiệt, thơ “Đoạt sáo Chương Dương độ” của Trần Quang Khải; Sự u uất, hoài thương liệu có thể thơ nào hơn hẳn thơ Bà Huyện Thanh Quan; Đã chua cay, đau xót, lại còn cợt đùa, châm chọc, liệu có thể thơ nào vượt trội thơ Bà Chúa Thơ Nôm; thơ Trần Tế Xương; Vừa xót thương nhân tình thế thái, vừa sâu cay khinh ghết thói đời, không thể không học thơ Tam nguyên Yên Đổ; Hào sảng, lạc quan, trữ tình, liệu có thể thơ nào hơn được thơ của lãnh tụ Hồ Chí Minh; Thơ tình chan chứa nồng nàn thì như Xuân Diệu, ông Hoàng thơ tình, đâu đã hơn hẳn thơ Ngân Giang, bà Hoàng của thơ luật cuối thế kỷ 20.
Sơ sơ xin được dẫn ra một số nhà thơ quen biết thì ta đủ thấy: thể thơ Đường luật nó vốn có sức diễn tả đủ cả 7 cung bậc:  ai, lạc, ái, ố, hỉ, nộ, dục,… của tình đời, tình người.
Có người nói, khi làm thơ, việc thực hiện đúng luật ví như việc đã viết là phải viết đúng chính tả; còn ý tứ, câu chữ, cách tu từ mới là quan thiết, mới quyết định đến giá trị của bài thơ, bài viết. Nói như vậy tức là, khi  đã thành thạo về luật rồi, thì người ta nói: “Tôi đang làm thơ”, chứ người ta không nói “Tôi đang làm luật thơ”.
Xin trở lại vấn đề làm mới thể thơ luật Đường.
Làm mới thể thơ luật, ta không nên nghĩ phải bổ xung hay phải tinh lược luật thơ vốn đã được định hình trên ngàn năm lịch sử. Có chăng, ta muốn làm mới thơ luât Đường thì ta hãy làm mới ngôn ngữ thơ luật Đường.
Tả vẻ đẹp một cô gái tân thời mà tác giả lại dùng tứ thơ quá cũ, dùng từ quá cổ, như “Mắt phượng, mày ngài, da ngọc chuốt / Hoa nhường, nguyệt thẹn, bóng gương lồng”, thì nghe làm sao được.
Vào thời đại @, ai còn gửi thư bằng chim nhạn, mà lại mong thư bạn “Ngày đêm mong nhạn xa hun hút / Tấc dạ thương thân cứ mỏi mòn”, thì nghe như thơ của thời trung cổ.
Thơ tả về sự giao lưu với bạn bè mới ngày hôm qua, mà tác giả lại dùng từ “Huynh vui hoan hỉ…/ Muội thấy nồng nàn…”, Ta nghe thấy như thơ lấy từ trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng xa xưa.
Cho nên, thơ tả cảnh, tả tình, tả sự… có nội dung cổ, thì dùng từ cổ; có nội dung kim, thì phải dùng từ hiện đại. Ấy mới sành điệu, đủ mùi, đúng vị, dễ nghe, dễ tiêu hóa.
Mấy lời bộc trực xin được giãi bầy, rất mong bạn thơ, bạn đọc xa gần thẩm định.

NGUYỄN VĂN THỤ
(Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét