Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Người xưa xướng họa thơ Đường luật

Mặc dù các thể loại thơ đều có lối chơi xướng họa, nhưng xướng họa thơ Đường luật nổi tiếng hơn cả (và cũng có thể từ việc người xưa xướng họa thơ Đường luật mà về sau nhiều người đem áp dụng các lối chơi tương tự cho các thể thơ khác).
Từ thời đời Đường, đời Tống bên Trung Quốc, đời Trần, đời Lê ở nước ta đến ngày nay đã có biết bao nhiêu nhà thơ xướng họa cùng nhau.


Có lẽ trong lịch sử nước ta, việc xướng họa thơ Đường luật nổi tiếng nhất vào thời Lê sơ với vai trò trung tâm của Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Trong 38 năm tại vị (1460 – 1497), Lê Thánh Tông đã nhiều lần thực hiện xướng họa với các hoàng tử và bề tôi thân cận quanh mình. Kết quả những cuộc xướng họa đó lưu lại thành 12 tập thơ và một bộ tùng thư là Thiên Nam dư hạ. Ví dụ:
- Hồng Đức quốc âm thi tập (năm 1463) gồm 107 bài của nhà vua và 38 bài họa của các bề tôi.
- Anh hoa hiếu trị thi tập (năm 1468).
- Minh lương cẩm tú (năm 1470)
- Năm 1491, nhân dịp về bái yết sơn lăng tại Lam Kinh, vua Lê Thánh Tông lại cùng Hoàng Thái tử, các hoàng tử và quần thần xướng họa, thành tập Văn minh cổ xúy Tập thơ có 6 bài của nhà vua, sau mỗi bài đều có lời bình của quần thần, có thơ họa của Hoàng Thái tử, và các Hoàng tử, các bề tôi….
- Năm 1494, nhân việc hai năm liền được mùa, vua Lê Thánh Tông cùng 28 triều thần sáng tác tập Quỳnh uyển cửu ca thi tập. Vua xướng 9 bài. Các bề tôi họa lại có đến vài trăm bài. Đời sau gọi đây là Tao đàn Nhị thập bát tú.
- Năm 1494, Hoàng đế Lê Thánh Tông còn sáng tác tập Cổ kim bách vịnh thi (Cổ tâm bách vịnh). Trong tập thơ này, có bốn văn thần tham gia. Tập thơ gồm 10 quyển, 100 bài thơ theo thể ngũ ngôn tuyệt cú, nhà vua ngự chế và họa thơ vịnh sứ thần.
Tiếc rằng đến nay đã thất lạc nhiều. Hiện có một số bài của Vua, nhưng không thấy bài họa của quần thần. Cũng có một số bài họa của những cận thần thân tín của Vua nhưng không thấy bài xướng của Vua, hiếm khi có đủ cả cặp bài xướng – họa.
Xin giới thiệu một cặp bài xướng họa của Vua và Tiến sĩ Phạm Đạo Phú (1463 – 1539), một bề tôi thân cận của Vua, có tên trong Nhị thập bát tú. Cặp bài xướng họa này trong dịp Vua đến lễ tổ tiên tại Từ đường Kiến thụy ở Lam Kinh Thanh Hóa, in trong tập Văn minh cổ xúy (năm 1491).

Bài xướng của vua Lê Thánh Tông
Nguyên tác:
御制幸建瑞堂偶成
(洪德二十二年二月十七日)
黎聖宗
建瑞堂前燕尾環,
龍天潮漲水天寬。
濛濛遠樹輕風捲,
漠漠凝雲細雨寒。
先世積功蒼海闊,
後人衍慶太山安。
鄉中英俊從王事
遙上鵬程萬里慱。
(文明鼓吹)

Phiên âm:
Ngự chế hạnh Kiến Thuỵ đường ngẫu thành
(Hồng Đức nhị thập nhị niên nhị nguyệt thập thất nhật )
Lê Thánh Tông
Kiến Thuỵ đường tiền yến vĩ hoàn,
Long Thiên triều trướng thuỷ thiên khoan.
Mông mông viễn thụ khinh phong quyển,
Mạc mạc ngưng vân tế vũ hàn.
Tiên thế tích công thương hải khoát,
Hậu nhân diễn khánh Thái Sơn an.
Hương trung anh tuấn tòng vương sự,
Dao thướng bằng trình vạn lý đoàn.

Dịch nghĩa:
Bài thơ ngự chế: Tới nhà từ đường Kiến Thụy ngẫu nhiên thành thơ

(Ngày 27 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 22 (1491)
Trước nhà từ đường Kiến Thụy cờ đuôi én bay quanh
Sông Long Thiên thủy triều lên, nước trời bát ngát
Cây xa mông lung gió nhẹ cuốn bay
Mây ngưng lặng lặng mưa phùn se lạnh
Tổ tiên tích công đức tựa biển rộng mênh mông
Cháu con hưởng hạnh phúc như Thái Sơn vững chãi
Các bậc anh tuấn trong làng theo giúp nhà vua
Tựa cánh chim đại bàng bay bổng muôn dặm.

Lời bình:
Thần Thân Nhân Trung phụng bình: Thần vâng mệnh đọc bài thơ thánh chế này, thấy bài thơ trước thì mô tả cảnh thực chân xác tuyệt diệu, sau thì phô bày ca vịnh việc thực, từ khỏe, khí tráng. Đó là tấm gương tốt đẹp đã phát ra một cách tự nhiên, không cần mượn sự đẽo gọt mà trăm sự xảo diệu vẫn lộ rõ. Bọn thần thường vẫn cố gắng làm theo phương pháp ấy, mà rút cục vạn phần dường như không làm nổi một.

               Bài họa của Phạm Đạo Phú
Nguyên tác:
奉和御製幸建瑞堂
范道富
堂前縹緲碧流環,
交壓龍宮海色寬。
雲樹曨通浮淑氣,
煙花婥約裊輕寒。
昔年慶澤源流遠,
今日民風任寂安。
瑣瑣幸蒙天地德,
南溟準擬效鵬摶。

Phiên âm:
Phụng họa Ngự chế Hạnh Kiến Thụy đường
Phạm Đạo Phú
Đường tiền phiếu diểu bích lưu hoàn,
Giao áp long cung hải sắc khoan.
Vân thụ lung thông phù thục khí,
Yên hoa sước ước niểu khinh hàn.
Tích niên khánh trạch nguyên lưu viễn,
Kim nhật dân phong nhậm tịch an.
Tỏa tỏa hạnh mông thiên địa đức,
Nam minh chuẩn nghĩ hiệu bằng đoàn.

Chú thích:
Bằng đoàn: Chim bằng tung cánh vút bay lên. Sau thường dùng chữ này để chỉ sự phấn đấu vươn lên tiền trình xa rộng. Thiên Tiêu dao du của Trang Tử có viết: “Bằng chi tỉ ư nam minh dã, thuỷ kích tam thiên lý, đoàn phù dao nhi thượng giả cửu vạn lý” (Chim bằng đến biển nam, nước sóng sánh ba nghìn dặm, vung cánh vút theo gió lốc mà lên chín vạn dặm).

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài Vua đến từ đường Kiến Thụy của Đức Vua

Trước từ đường vời vợi, dòng nước biếc uốn quanh,
Xa xa sát long cung, màu nước biển mênh mang.
Mây trùm ngọn cây, khí lành nổi lên,
Khói bọc khóm hoa, hơi lạnh nhẹ vương.
Nhiều năm mừng ơn như nguồn nước chảy xa,
Ngày nay dân sống trong đùm bọc bình yên.
May mắn được nhờ chút ít ở đức trời đất,
Muốn bắt chước chim bằng bay qua biển Nam.

Dịch thơ:
Bài xướng của Vua Lê Thánh Tông

Kiến Thụy rợp cờ đuôi én vây
Long Thiên triều lộng nước dâng đầy
Êm đềm mây tụ mưa phùn lạnh
Xào xạc cây xa gió nhẹ lay
Công đức tổ tiên xanh biển rộng
Phúc lành con cháu vững non dày
Trong làng anh kiệt theo phò chúa
Muôn dặm chim bằng cất cánh bay.

PHẠM VĂN DƯƠNG (dịch)

Bài họa của Phạm Đạo Phú

Trước nhà thăm thẳm nước xanh vây
Xa sát long cung sắc biển đầy
Mây phủ cây cao trùm khí tốt
Khói vương hoa khóm lạnh hơi lay
Mừng ơn năm trước nguồn tuôn chảy
Dân sống hôm nay phúc ấm dày
May mắn được nhờ trời đức độ
Chim bằng muốn vượt biển Nam bay.

PHẠM VĂN DƯƠNG (dịch)

1 nhận xét: